Củ bình vôi là một vị thuốc thường xuyên xuất hiện trong các bài thuốc y học cổ truyền. Vậy củ bình vôi có tác dụng gì? Hãy cùng tìm hiểu những công dụng của củ bình vôi qua bài viết dưới đây nhé!
1 Giới thiệu chung về cây bình vôi
Cây bình vôi thuộc dạng dây leo, có tên khoa học là Stephania Glabra, họ Tiết dê. Bộ phận dùng làm thuốc của cây là rễ và củ. Củ bình vôi rất to, xuất hiện ngay bên cạnh rễ của cây, phình ra trông như bình đựng vôi, lớp vỏ ngoài màu nâu đen, bên trong trắng xám và có vị đắng. Lá có hình trái tim và mọc so le.
Bình vôi được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, nhất là những vùng có núi đá vôi như Lai Châu, Hòa Bình, Ninh Bình,… Các hợp chất alkaloid là thành phần hóa học quan trọng nhất của cây bình vôi, cụ thể là L-tetrahydropalmatin, Roemerin, Rotundin và Cepharanthin. Ngoài ra, củ bình vôi còn chứa lượng lớn tinh bột, acid hữu cơ và đường.
Cây bình vôi là cây dây leo thuộc họ Tiết dê
2 Bình vôi có tác dụng theo Y học cổ truyền
Bình vôi có vị đắng ngọt, tính lương, quy vào 2 kinh Can và Tỳ. Khi được dùng trong các bài thuốc y học cổ truyền, củ bình vôi thường được thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Từ lâu, bình vôi đã được sử dụng trong dân gian để hỗ trợ điều trị ung thư, các bệnh về tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ và viêm tại nhiều nước ở châu Á. Tại Án Độ, nước sắc từ bình vôi được dùng trị kiết lỵ, hạ sốt, hen suyễn, lao và tiểu đường.
Củ bình vôi thường được thái mỏng, phơi hoặc sấy khô
3 Các tác dụng của bình vôi trong y học hiện đại
An thần, giúp ngủ ngon
An thần, giúp ngủ ngon là tác dụng được biết đến nhiều nhất của củ bình vôi nhờ vào hoạt chất tetrahydropalmatine (rotundine) và gindarine. Tetrahydropalmatine tác động lên hệ thần kinh trung ương và các thụ thể dopamine ở não giúp tạo ra tác dụng an thần. Một nghiên cứu in vivo được thực hiện trên chuột với liều dưới 50 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể, gindarine đã được chứng minh là có hoạt tính giảm lo âu và không gây ra bất kỳ tác dụng độc hại nào. Nhờ vậy, sử dụng củ bình vôi sẽ giúp cơ thể vào trạng thái thư giãn, giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn, và chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Củ bình vôi có chứa Rotundine và Gindarine giúp an thần
Giãn cơ, giảm đau mỏi cơ
Pronuciferine hydrochloride trong củ bình vôi thể hiện hoạt tính chống co thắt bằng cách làm giảm mức độ co cơ. Bên cạnh đó, ở nồng độ từ 1 đến 10 mg/mL, bình vôi có tác dụng làm giảm biên độ và tần suất co thắt tự nhiên của ruột và tử cung ở chuột nhờ vào tác động của hợp chất alkaloid. Do vậy, bình vôi là một trong những dược liệu có khả năng giảm đau mỏi cơ hiệu quả.
Bình vôi có khả năng giảm đau mỏi cơ hiệu quả
Ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp
Củ bình vôi sở hữu nhiều hoạt chất quý có tác dụng cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Thông qua việc ức chế thụ thể dopamine-D2 trong hệ thần kinh trung ương, tetrahydropalmatine liều 10 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể giúp hạ huyết áp động mạch và làm chậm nhịp tim ở chuột. Gindarine đã được chứng minh qua thử nghiệm in vivo có tác dụng làm giảm huyết áp động mạch, giảm nhịp tim và giảm khả năng co bóp của tim. Ngoài ra, L-stepholidine tiêm tĩnh mạch liều 0,5 mg/kg và 2,5 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể có khả năng làm giảm huyết áp với tỉ lệ lần lượt là 29% và 30% ở chuột và chó được gây mê.
Củ bình vôi có tác dụng cải thiện tình trạng tăng huyết áp
Giảm đau, hạ sốt, kháng viêm
Trong củ bình vôi có chứa cycleanine, gindarudine có tác dụng kháng viêm, giảm đau và hạ sốt hiệu quả. Các tác dụng này đã được chứng minh thông qua các thử nghiệm in vivo trên chuột với liều lượng phù hợp. Cụ thể, tiêm phúc mạc cycleanine liều 50 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể cho thấy khả năng chống viêm, đồng thời làm giảm tính thấm mạch máu. Uống gindarudine liều 150 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể làm tăng ngưỡng chịu đau ở chuột và liều 300 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể có khả năng làm giảm thân nhiệt trong vòng 1 giờ sau khi nhận liều thử nghiệm.
Củ bình vôi chứa cycleanine, gindarudine giúp kháng viêm, giảm đau và hạ sốt hiệu quả
Kháng khuẩn
Các nghiên cứu in vitro trên chiết xuất ethanol của củ bình vôi cho thấy bình vôi có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng với 5 loài vi khuẩn, cụ thể là Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Streptococcus mutans, Escherichia coli và Klebsiella pneumonia với giá trị MIC dao động từ 25 đến 100 mg/mL. Trong đó, MIC là nồng độ thấp nhất của một chất kháng khuẩn mà tại đó ức chế hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn.
Bình vôi là dược liệu có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng
Tẩy giun sán
Thử nghiệm in vitro thực hiện với chiết xuất ethanol thu được từ thân rễ cho thấy bình vôi có hoạt tính diệt giun sán đối với 4 loài giun tròn: Heterakis gallinarum, Ascaridia galli, Ancylostoma ceylanicum và Ascaris suum; 1 loài sán dây: Raillietina echinobothrida và 1 loài sán lá: Fasciolopsis buski ở liều lượng từ 25 đến 100 mg/mL trong dung dịch đệm phosphat 0,9%.
Chiết xuất ethanol từ thân rễ bình vôi có hoạt tính diệt giun sán hiệu quả
Hỗ trợ giảm đường huyết
Bên cạnh tác dụng hỗ trợ giảm huyết áp, bình vôi còn có khả năng hỗ trợ giảm đường huyết hiệu quả. Trong đó, chiết xuất ethanol từ củ bình vôi với liều uống 500 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể đã được chứng minh có khả năng làm giảm 53% lượng đường trong máu ở chuột sau 24 giờ. Ngoài ra, thành phần 11-Hydroxypalmatine từ củ bình vôi cũng có tác dụng hạ đường huyết đối với chuột bị tiểu đường do alloxan gây ra, liều uống 100 mg/kg tính theo trọng lượng cơ thể đã làm giảm 52% lượng đường trong máu.
11-Hydroxypalmatine từ củ bình vôi giúp giảm đường huyết hiệu quả
Ngăn ngừa ung thư
Bình vôi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư cho cơ thể nhờ vào tác động của thành phần cycleanine. Hợp chất này gây độc tế bào HeLa trong thử nghiệm in vitro và thể hiện tiềm năng chống khối u. Ngoài ra, cycleanine cũng có tác dụng chống khối u cổ trướng từ ung thư cổ trướng Ehrlich và khối u rắn từ Sarcoma-180 ở chuột.
Bình vôi có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư cho cơ thể
4 Liều dùng bình vôi
Củ bình vôi có chứa alkaloid A (roemerin) gây tê niêm mạc và làm giảm nhịp tim, vì vậy không nên tự ý sử dụng khi chưa được sự chỉ định từ các chuyên gia y tế. Cụ thể, liều lượng bình vôi nên được sử dụng như sau:
- Người lớn: Ngày 2 - 3 lần x 1 viên, viên Rotudin 0,03g.
- Trẻ em 13 tháng trở lên: 2mg/kg/ngày chia ra 2 - 3 lần.
- Những người bị nhức đầu, tăng huyết áp có thể sử dụng gấp đôi liều trên (nhưng cần có sự giám sát của bác sĩ).
- Thuốc tiêm mỗi lần 1 ống 2ml (60mg) Rotudin, 1 - 2 lần/ ngày
- Liều gây ngộ độc là 30g.
5 Một số bài thuốc có sử dụng bình vôi
Lưu ý rằng trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược hoặc dược liệu nào để chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Đồng thời, tìm hiểu về cách sử dụng các loại dược liệu và liều lượng cụ thể để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Bài thuốc trị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm khí quản mạn tính
Bình vôi, huyền sâm, cát cánh, mỗi vị 12g, trần bì 10g. Sắc uống, ngày một thang.
Bài thuốc trị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm khí quản mạn tính
Bài thuốc trị mất ngủ do thần kinh căng thẳng
Bình vôi, lạc tiên, vông nem, mỗi vị 12g, liên tâm 6g, cam thảo 6g, sắc uống, ngày một thang.
Bài thuốc trị mất ngủ do thần kinh căng thẳng
Bài thuốc trị suy nhược thần kinh, động kinh
Bình vôi, câu đằng, thiên ma, viễn chí, đồng lượng 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Bài thuốc trị suy nhược thần kinh, động kinh
Bài thuốc trị đau dạ dày, loét dạ dày, hành tá tràng, lỵ
Bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm cho lá, xa tiền tử, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Bài thuốc trị đau dạ dày, loét dạ dày, hành tá tràng, lỵ
6 Lưu ý khi sử dụng bình vôi
Bình vôi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, trong bình vôi có một số chất mang độc tính khi sử dụng quá liều, do đó khi sử dụng cần lưu ý một số điều sau để đạt được hiệu quả cao nhất, cụ thể là:
- Không nên sử dụng quá liều do có thể gặp nguy cơ ngộ độc.
- Nên theo dõi sức khỏe thường xuyên khi sử dụng bình vôi.
- Không nên tự ý sử dụng khi chưa có sự chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
Xem thêm:
- Đương quy là gì? Công dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng
- Củ dong là gì? 7 tác dụng của củ dong với sức khỏe bạn nên biết
- 11 công dụng của củ cải trắng có thể bạn chưa biết
Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin về những tác dụng tuyệt vời của củ bình vôi đối với sức khỏe con người. Nếu thấy bài viết này hay và bổ ích, hãy chia sẻ ngay cho bạn bè và người thân của bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Củ bình vôi có tác dụng gì? 8 công dụng và cách dùng bình vôi tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].