Chắc hẳn chúng ta đã từng ít nhất một lần nhìn thấy và thắc mắc những chi tiết nhỏ trên các vật dụng hàng ngày được tạo ra với mục đích gì. Liệu đơn giản chỉ để làm đẹp, trang trí hay còn có công dụng nào khác.
1. Cục bông trên mũ nỉ
Vừa có mục đích trang trí cho chiếc mũ trông đỡ trống trải, cục bông này còn có tác dụng bảo vệ đầu của chúng ta khi không may có va chạm.
Nguồn gốc cục bộng này có từ ngày xưa, các thủy thủ của Pháp thường đội mũ có gắn quả bông để bảo vệ đầu họ không bị đập vào trần nhà thấp ở boong tàu khi có biển động.
2. Móc kim loại trên thước dây cuộn
Các thước dây cuộn đều có một phần kim loại nhỏ ở đầu. Mục đích là để khi cả hai tay bạn đang bận, bạn có thể móc phần kim loại này ở trên vật đang đo để việc đo lường trở nên dễ dàng hơn hơn.
3. Thiết kế của sô cô la Toblerone
Loại sô cô la này đến từ Thụy Sỹ, do đó nhiều người nghĩ rằng hình tam giác của nó là phỏng theo dãy núi Alps nổi tiếng của nước này.
Tuy nhiên, sự thực đơn giản hơn nhiều, nhà sản xuất đã thiết kế như vậy để người dùng dễ sử dụng hơn. Khi bạn muốn bẻ một miếng nhỏ để ăn, nó sẽ gãy ra một cách dễ dàng và bạn có thể dùng ngay.
4. Lỗ trên cửa sổ máy bay
Phía dưới cửa sổ máy bay có một cái lỗi nhỏ. Lỗ này có 2 mục đich, giúp duy trì áp suất không khí ở mức an toàn bên trong cabin và giúp thoát hơi nước khiến cửa sổ không bị mờ đi.
5. Răng cưa trên nắp chai bia
Đầu tiên, trên nắp chai bia thường có 24 răng cưa nhưng do số lượng răng cưa quá nhiều, nắp rất chặt và khó mở. Sau khi nghiên cứu, người ta đã tạo ra nắp chai có 21 răng cưa và có ba lý do đằng sau chuyện này.
Thứ nhất, trong vật lý, để chống đỡ một vật ổn định cần ít nhất ba điểm đỡ và 21 là bội số của ba, phù hợp với nguyên tắc này.
Thứ hai, vì bia là chất lỏng có gas, nếu mở không đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho người dùng và 21 răng cưa có thể bảo đảm an toàn cho người mở nắp.
Thứ ba, nắp chai 21 răng cưa bảo đảm chai được niêm phong chặt và chắc chắn.
6. Bàn phím QWERTY
Bàn phím máy tính được thiết kế theo thứ tự QWERTY chứ không phải ABCDE, nguyên nhân là do khi thiết kế máy đánh chữ, người ta sắp xếp theo thứ tự ABCD nhưng các phím thường xuyên bị kẹt lại với nhau do các chữ cái có tần suất sử dụng lớn được xếp quá sát nhau.
Chính vì thế, với bàn phím máy tính, các nhà sản xuất đã nghĩ ra cách sắp xếp QWERTY để làm giảm các vấn đề kĩ thuật có liên quan như đã nhắc tới bên trên.
7. Màu trên kem đánh răng
Những năm 70, người ta cảm thấy việc đánh răng để bảo vệ sức khỏe là chưa đủ. Họ còn cần hơi thở thơm tho lâu hơn. Vì thế, hãng Aquafresh đã cho ra mắt loại kem đánh răng có sọc màu xanh, nói rằng nó sẽ giúp thơm miệng.
Sau đó một thời gian, hãng còn cho ra mắt dòng kem đánh răng có cả sọc màu đỏ, nói rằng giờ sản phẩm của họ có tới ba công dụng, đó là làm sạch, làm thơm miệng và khử khuẩn.
Với công nghệ hiện đại ngày nay, dù kem đánh răng chỉ có màu trắng nguyên bản thì cũng có thể làm được những điều này nhưng nhiều người vẫn chọn mua kem đánh răng có ba màu vì tin rằng nó sẽ tốt hơn.
8. Lỗ ở trên nồi niêu xoong chảo
Những lỗ này giúp bạn treo lên tường cho gọn, đồng thời cũng có thể đựng dụng cụ nấu bếp trong khi bạn đang bận tay, giúp căn bếp của bạn sẽ không bị bừa bộn.
9. Gờ trên nút F và J
Nhờ hai gờ nổi trên 2 phím này, bạn có thể đặt tay ở vị trí gõ lý tưởng mà chẳng cần phải nhìn vào bàn phím. Khi đặt ngón tay trỏ lên hai gờ nổi này, tức là bạn biết tay mình đang ở phím F, J. Dịch sang bên trái là các phím D, S, A; dịch sang bên phải là các phím K, L, dấu “:”.
10. Phần màu xanh của cục tẩy
Với loại tẩy có phần màu xanh như trên, mỗi đầu sẽ có công dụng khác nhau. Phần màu cam thì được dùng để tẩy các vết chì trên giấy thường thì phần màu xanh được dùng để tẩy vết bút chì được vẽ trên bề mặt giấy hội họa dày và giấy nhám.
11. Thanh treo quần áo bằng gỗ
Loại gỗ làm ra các thanh treo này thường là gỗ tuyết tùng, một loại gỗ có thể chống mối mọt. Đồng thời, chúng cũng có mùi dễ chịu và rất bền. Loại thanh này khá thích hợp cho những gia đình phải treo nhiều quần áo và có nhiều đồ làm từ len.
12. Con số trên chai tương cà
Theo người phát ngôn của hãng Heinz, con số “57” được khắc trên chai tương cà không phải để làm cảnh, mà nó là một “điểm mềm”. Khi người dùng đặt tay vào con số này và bóp chai, tương cà sẽ ra dễ dàng hơn.
13. Lỗ ở trên ổ khóa
Chiếc lỗ này được thiết kế để thoát nước cho ổ khóa, để khóa không bị rỉ sét hay bị tắc bởi vật cặn. Bạn cũng có thể dùng lỗ này để tra dầu cho khóa, giúp nó hoạt động trơn tru hơn.
14. Lỗ trên que kẹo mút
Chắc hẳn chúng ta ai cũng thắc mắc về chiếc lỗ nhỏ trên que kẹo mút. Khi sản xuất kẹo, nhà sản xuất sẽ đặt chiếc que vào khuôn rồi đổ kẹo lỏng vào. Khi đó, kẹo lỏng sẽ chảy vào khe và lấp đầy phần lỗ này trước.
Nhờ đó, khi kẹo cứng lại, phần kẹo trong lỗ nhỏ sẽ gắn cục kẹo bám chặt vào que như một chiếc đinh, giúp kẹo gắn trên đó không bị rơi ra khi đóng gói hoặc ăn.
15. Lỗ trên nắp bút bi
Nhiều người có thói quen nhai nắp bút, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đó là một thói quen nguy hiểm và bạn có thể bị hóc, không thở được. Những chiếc lỗ này được tạo ra để giúp cho người dùng vẫn có thể thở được khi trường hợp xấu đó xảy ra.
16. Lỗ nhỏ trên thân giày
Một vài nhà sản xuất thường làm dây giày rất dài để khách hàng có thể xỏ giây theo cách riêng. Nếu giày bạn quá rộng và còn thừa nhiều dây, bạn có thể luồn dây qua lỗ này để giúp giày vừa vặn với chân hơn. Ngoài ra, nó cũng có thể giúp chân thông thoáng, giảm mùi.
17. Cúc nhỏ trên quần jeans
Những cái cúc này được gọi là đinh tán và nó là người hùng thầm lặng giúp quần của bạn bền hơn. Nó thường được đặt ở những khu vực dễ bị rách để giữ các miếng vải lại với nhau, giúp đồ jeans lâu hỏng.
18. Miếng vải thừa khi đi mua quần áo
Mỗi khi đi mua đồ, bạn sẽ nhận được một cái túi nhỏ có đựng vài mảnh vải và cúc áo quần như thế này. Tất nhiên, bạn có thể dùng cúc để thay thế cho những cái đã bị mất hay dùng vải để vá cho những lỗ thủng.
Nhưng mục đính thực sự của nó là để bạn có thể kiểm tra các chất tẩy rửa của nhà mình lên nó, từ đó tìm ra cách giặt phù hợp.
19. Đai ở phía sau áo khoác
Ngày nay, những chiếc đai này được thêm vào để khiến cho bộ cánh trở nên sành điệu, đẹp mắt, thời trang hơn. Nhưng ngày xưa, nó được thiết kế để những người lính có thể treo đồ ở phía sau lưng, giúp họ đi lại thuận tiện.
20. Chất liệu làm tay nắm cửa
Rất nhiều tay nắm cửa được làm bằng đồng thau vì nó có tính năng khử khuẩn. Do vậy, loại tay nắm này tuyệt đối vệ sinh và an toàn với các hộ gia đình có nhiều trẻ em.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Công dụng của 20 chi tiết nhỏ trên các vật dụng hàng ngày, có người cả đời không biết tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].