150 ổ dịch COVID-19, tình hình cơ bản trong tầm kiểm soát
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa làm việc với tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Cùng làm việc với Phó Thủ tướng có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, Bắc Ninh có 12 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Khó khăn trong phòng chống dịch tại KCN của Bắc Ninh là có nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử, không gian hẹp, kín. Đây là những yếu tố để dịch bệnh dễ bùng phát và lan rộng nếu không có các giải pháp kịp thời.
Tại Bắc Ninh hiện có 150 điểm dịch. Tình hình dịch cơ bản trong tầm kiểm soát. Số ca mắc COVID-19 trong những ngày qua là do tỉnh chủ động lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các huyện, xã, thôn, khu phố có nguy cơ cao và từ các điểm dịch. Những ca lây nhiễm mới cơ bản là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung.
Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh không chủ quan vì nguy cơ dịch bùng phát vẫn còn rất cao, do các điểm dịch nằm rải rác trong cộng đồng và tại doanh nghiệp.
Bắc Ninh đã tiêm được cho hơn 35.000 công nhân và đang tiếp tục đẩy mạnh sớm hoàn thành số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ đúng tiến độ.
Các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất, có cách làm mới để chống dịch
Từ ngày 2/6, 504 doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh Bắc Ninh đã trở lại sản xuất. Để chuẩn bị cho doanh nghiệp hoạt động lại, từ những ngày trước đó, Đoàn công tác của Bộ Y tế tại Bắc Ninh đã làm việc liên tục với các sở, ban, ngành của địa phương và trực tiếp đào tạo cho cán bộ của Ban Quản lý các KCN về kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động an toàn trước khi đi làm trở lại.
Cách làm mới sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh để doanh nghiệp hoạt động trở lại là công nhân đi làm và ở lại ngay trong cơ sở. Các doanh nghiệp đã chủ động bố trí nơi ăn, nghỉ cho công nhân tại các nhà xưởng, khu đất trống để người lao động có sức khỏe, yên tâm làm việc.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói: Doanh nghiệp trong KCN tổ chức lại sản xuất, phương án phân luồng người lao động trong các phân xưởng sản xuất, đưa đón công nhân, khu nhà ăn và khu ký túc xá theo nguyên tắc là những công nhân cùng phân xưởng thì bố trí cùng phòng, khu ký túc xá, để giảm tối đa việc lây lan khi có ca lây nhiễm.
Nhận xét về cách làm này của tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành biểu dương và đề nghị Bắc Ninh sớm đúc rút kinh nghiệm để các địa phương khác cùng học tập. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, Bắc Ninh là địa phương có số lượng công nhân đông, là 1 trung tâm kinh tinh tế lớn của các tỉnh phía Bắc, về thu ngân sách đứng thứ 9 trong cả nước. Vì vậy, cần tập trung dồn lực sớm đẩy lùi dịch tại địa phương này.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, đề nghị tỉnh tuyệt đối không chủ quan. “Nêu cao tinh thần 4 tại chỗ, bằng mọi biện pháp dập được dịch sớm nhất, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Bắc Ninh đã chủ động triển khai phòng chống dịch rất tốt. Từng bước kiểm soát được dịch bệnh, có cách làm sáng tạo vừa khống chế dịch vừa đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn rất lớn. Đề nghị tỉnh Bắc Ninh bám sát các vấn đề khuyến nghị của Đoàn công tác Bộ Y tế đang hỗ trợ địa phương”.
Nhiệm vụ của các cấp các ngành tập trung vào chống dịch. Lo đời sống công nhân, bảo đảm an toàn sản xuất. Thần tốc tiếp tục truy vết, khoanh vùng,cách ly. Song song đó là đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm. Tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt tiêm phòng vắc xin và coi là nhiệm vụ quan trọng.
“Chính phủ không để địa phương thiếu tiền cho chống chống dịch. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động cân đối ngân sách, cho rà soát trên cơ sở nguồn lực. Trong thời gian ngắn tới, Bắc Ninh sớm đẩy lùi dịch, càng sớm càng tốt”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Có tới 150 điểm dịch COVID-19, Bắc Ninh đã kiểm soát như thế nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].