Trào lưu sinh con "thuận tự nhiên” cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được Bộ Y tế công nhận. Do đó, nếu cố tình lựa chọn phương pháp này và gây hại đến tính mạng của đứa trẻ, trong trường hợp này sản phụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Chuyên gia luật Nguyễn Ngọc Sinh, chuyên viên tư vấn luật Công ty tư vấn DLS Việt Nam: “Theo điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".
Việc tước đoạt tính mạng con người trái luật do vô ý hay do cố ý đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp này, người mẹ có thể bị xem xét về tội danh theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 Tội vô ý làm chết người: 'Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm'.
Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm đối với người mẹ cố tình lựa chọn phương pháp sinh tại nhà nhưng vô tình gặp sự cố, mất đi đứa con còn nhiều phức tạp: Việc xác định đứa bé chết trước khi được sinh ra hay trong khi sinh hay sau khi sinh sẽ dẫn đến các hậu quả pháp lý khác nhau.
Việc sinh đẻ tại nhà, mà không có cán bộ y tế hỗ trợ có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong cả mẹ và con…
Vì vậy, sản phụ cần được chăm sóc y tế theo đúng quy trình quy định để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả mẹ và con".
Tuyên truyền, vận động sinh con tại nhà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Sinh con “thuận tự nhiên” tại nhà chưa phải là phương pháp được pháp luật công nhận, và vì vậy người tuyên truyền về việc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi: “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật theo điều 288 Bộ Luật Hình sự 2015 Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với mức phạt có thể lên tới 3 năm tù giam”.
Trong trường hợp nếu người vi phạm là công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nội dung này đươc quy định tại Khoản 1, Điều 6 Bộ Luật Hình sự 2015.
Nếu là người nước ngoài ở nước ngoài mà xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vấn đề này quy định tại Khoản 2, Điều 6 Bộ Luật Hình sự 2015.
"Chuyên gia luật Nguyễn Ngọc Sinh, chuyên viên tư vấn luật Công ty tư vấn DLS Việt Nam".
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Cố tình sinh con tại nhà khiến trẻ tử vong: Sản phụ có thể bị phạt tù từ 1-5 năm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].