Có 2 loại hình thẩm mỹ viện với chức năng hoàn toàn khác nhau
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, GS.BS Trần Thiết Sơn – Tổng thư ký Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, thẩm mỹ viện là tên gọi chung cho các cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ làm đẹp cho cả phụ nữ và nam giới. Tuy nhiên không phải chức năng của thẩm mỹ viện nào cũng giống nhau.
Theo Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP: có 2 loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không có chức năng điều trị, phẫu thuật thẩm mỹ và cơ sở dịch vụ có chức năng điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ.
Thứ nhất, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không có chức năng điều trị, phẫu thuật thẩm mỹ: Là nơi chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Những cơ sở thẩm mỹ này tuyệt đối không có chức năng điều trị thẩm mỹ, bao gồm cả thẩm mỹ nội khoa (điều trị da, botox, filler…) và phẫu thuật thẩm mỹ: tiêm filler, hút mỡ, nâng ngực, nâng mông…
Thứ 2, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có chức năng điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ. Theo quy định, những cơ sở này là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
Tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà các cơ sở này được phép sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm...
Nhập nhèm tên gọi để lừa khách hàng
Có 1 thực tế là các cơ sở thẩm mỹ thuộc 2 loại hình khác nhau nhưng cùng lấy chung 1 tên trên biển hiệu là Thẩm mỹ viện. Việc này thường gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc phân biệt 2 loại hình dịch vụ thẩm mỹ này không quá khó, nếu khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin về nơi mình định đến làm đẹp.
Hiện nay, theo quy định của Sở Y tế, đối với những cơ sở làm đẹp được phép thực hiện các dịch vụ có xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ thì ngay từ biển hiệu quảng cáo tại cơ sở, bắt buộc phải có dòng chữ ghi rõ số giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế cấp, chuyên môn của bác sỹ.
Khu vực tiếp đón khách phải niêm yết chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; niêm yết giá dịch vụ; chứng chỉ hành nghề và bằng cấp chuyên môn, tên tuổi bác sĩ phải treo tại cơ sở…
Những thẩm mỹ viện thông thường, chỉ có chức năng chăm sóc da, móng, tóc, phun xăm thêu thẩm mỹ không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm không có những số hiệu ấy trên biển hiệu mà chỉ có tên Thẩm mỹ viện.
Tuyệt đối không tới thẩm mỹ viện để phẫu thuật thẩm mỹ
Thạc sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) khuyến cáo: Lợi dụng nhu cầu làm đẹp của khách hàng, đa số các thẩm mỹ viện đều rầm rộ quảng cáo trên mạng xã hội, website về việc thực hiện tất cả các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ với những lời "có cánh".
Do đó, các khách hàng cần lưu ý: tuyệt đối không tới các thẩm mỹ viện để thực hiện các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn, phẫu thuật thẩm mỹ như: phun xăm gây tê, cắt mí, tiêm filler, giảm béo, nâng ngực, nâng mông...
Khi nhận được lời mời tới các thẩm mỹ viện, trước khi quyết định có thực hiện dịch vụ mình định làm, khách hàng cần tỉnh táo, yêu cầu chủ cơ sở cung cấp các giấy tờ đã được cơ quan chức năng cấp phép xem cơ sở đó được cấp phép để làm những dịch vụ gì? Bác sỹ hay nhân viên cơ sở thực hiện có chuyên môn hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ viện tìm cách lách luật và đánh lừa khách hàng bằng chiêu thức "nổ" có liên kết với các bệnh viện để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, liên kết với bác sỹ chuyên khoa của các bệnh viện...
Khách hàng nên yêu cầu chủ cơ sở cho xem bằng chứng là những hợp đồng liên kết. Từ đó liên hệ trực tiếp với các bệnh viện xem thông tin liên kết có chính xác hay không, liên hệ với các cơ quan chức năng xem sự liên kết đó có hợp pháp hay không? Bởi thực tế đã có nhiều thẩm mỹ viện không chứng minh được giấy tờ liên kết với bệnh viện được phép thực hiện thẩm mỹ.
Luật sư nhấn mạnh: "Làm đẹp là cả 1 quá trình, chị em không nên vội vàng mà cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh tiền mất, tật mang".
Việt LinhBạn đang xem bài viết Có phải thẩm mỹ viện nào cũng được làm phẫu thuật thẩm mỹ? tại chuyên mục Thẩm mỹ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].