Cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ: “Các bệnh lý về tim mạch, trong đó có tăng huyết áp đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Trước đây, theo số liệu chúng tôi điều tra, tỷ lệ tăng huyết áp khoảng 25%, tức là cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp. Nhưng gần đây, tỷ lệ đó đã tăng lên, có những vùng tỷ lệ tăng huyết áp lên đến 40 – 45%. Đây là con số đáng báo động.
Nguy hiểm hơn là những người trẻ tuổi hiện đang có khuynh hướng bị tăng huyết áp nhiều hơn. Như trước đây, nhồi máu cơ tim thường xảy ra với những người lớn tuổi. Nhưng hiện nay, chúng tôi đã phải xử trí các ca nhồi máu cơ tim ở những người trẻ chỉ khoảng 27 – 28 tuổi.
Mà nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do lối sống của người chưa hợp lý, họ hút thuốc lá, thuốc lào, ăn mặn, bị stress nhiều, thời gian thư giãn, nghỉ ngơi ít… Tất cả các yếu tố đó làm cho tỷ lệ người dân bị tăng huyết áp tăng lên và có xu hướng ngày càng trẻ hóa”.
Gần đây nhất, năm 2015 một nghiên cứu tại cộng đồng do Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành điều tra dịch tễ học Tăng huyết áp tại 8 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc cho thấy tỷ lệ THA đã lên tới 47,3% ở những người trên 25 tuổi.
Đã tới lúc chúng ta phải chặn xu hướng phát triển và làm giảm gánh nặng của bệnh này lên xã hội với những biện pháp thích hợp nhất.
Giảm biến chứng của tăng huyết áp bằng cách nào?
Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến hiện nay và cũng là bệnh thường gặp. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tỷ lệ những người không biết mình mắc bệnh khá cao trong cộng đồng.
Nguy hiểm hơn là bệnh tăng huyết áp có thể gây ra biến chứng lên mắt, não, tim, thận, mạch máu lớn... khiến người bệnh mắc một số căn bệnh như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phình tách động mạch...
Do đó, người dân cần có ý thức phòng ngừa bệnh từ khi còn trẻ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Giáo sư Việt cho biết thêm, bệnh tăng huyết áp có nhiều yếu tố nguy cơ, trong đó có những yếu tố có thể điều chỉnh được như lối sống, thói quen sinh hoạt, kiểm soát stress…
Đặc biệt, người dân cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tim mạch, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, người bị tăng huyết áp cũng cần tuân thủ việc điều trị bệnh. Không nên tự ý bỏ thuốc, dừng thuốc. Bởi bệnh lý tim mạch là bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời nên kể cả khi thấy sức khỏe ổn định vẫn phải dùng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, chế độ ăn uống hàng ngày nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa, cà, cá khô, đồ ăn nhanh…Tăng cường khẩu phần rau xanh, tốt nhất mỗi ngày nên ăn 5 loại rau quả có màu sắc càng khác nhau càng tốt.
Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế ăn các thực phẩm nội tạng. Duy trì tập luyện thể dục 30 – 40 phút/ngày với các bài tập thở, đi bộ…
L.MinhBạn đang xem bài viết Có nơi 1 nửa người trưởng thành bị tăng huyết áp, nguyên nhân vì sao? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].