Sự việc cô giáo ở Long An bị phụ huynh bắt quỳ chưa kịp lắng xuống thì mới đây, một cô giáo tại Nghệ An lại tiếp tục bị phụ huynh học sinh bắt quỳ gối, xin lỗi và đánh đập tới mức nhập viện, có nguy cơ sảy thai.
Những sự việc này gióng lên một báo động đỏ về bạo lực học đường đang có một xu hướng mới, không phải giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, mà giữa phụ huynh với giáo viên.
Phụ huynh hành hung cô giáo, những vướng mắc, mẫu thuẫn bị phụ huynh học sinh giải quyết theo kiểu “côn đồ”. Tình trạng phụ huynh sẵn sàng ép buộc cô giáo quỳ xin lỗi, đánh đập cô giáo ngay trước mặt con trẻ khiến nhiều giáo viên chỉ biết lắc đầu ngao ngán, và không còn dám hăng say, tâm huyết với nghề.
Đề cập đến vấn đề này, PV Gia Đình Mới đã có trao đổi với cô giáo mầm non Mạc Thị Dung (Hà Đông - Hà Nội) chia sẻ: “Mình thường xuyên đọc những thông tin không hay ho lắm về ngành giáo dục. Thật sự sau mỗi lần đọc như vậy, mình luôn nghĩ nếu mình trong những trường hợp ấy thì phải làm sao? Mình sẽ làm như thế nào? Mình cảm thấy sợ thực sự!
Và cho đến giờ, sau 4 năm là giáo viên mầm non, mình vẫn không hề biết được có những quy định nào của nhà nước, của cơ quan chức năng để bảo vệ giáo viên. Vì vậy mà có "lỡ" bị đánh cũng không biết phải làm sao.
Nhưng mà cũng may cho mình là mình làm việc trong môi trường khá chuyên nghiệp, hiệu trưởng trường bảo vệ các giáo viên khá tốt, bên mình có những quy định rõ ràng nếu cô giáo phạm phải sẽ cho nghỉ việc. Và cả phụ huynh, nếu phụ huynh của học sinh nào quá ghê gớm, thì trường sẽ không nhận học sinh đó nữa”.
Đây chỉ là một trong những trường hợp may mắn của giáo viên khi chưa bao giờ gặp phải những tình huống bị phụ huynh học sinh phản ứng, hành hung. Bởi cũng là giáo viên mầm non nhưng cô Nguyễn Thị Hiểu (Chương Mỹ - Hà Nội) đã từng phải nghỉ việc chỉ vì phụ huynh cho rằng cô đã đánh con mình.
Cô Hiểu chia sẻ: “Thời gian mới ra trường, mình từng làm tại một trường mầm non tư thục và khi làm ở đấy được 3 tuần mình đã phải nghỉ việc vì bị phụ huynh phản ứng. Vô tình mình chơi đùa với cháu, có nựng má cháu, nhưng phụ huynh nhìn qua camera lại nhìn thành mình đánh cháu, sau đó thì phụ huynh này kiến nghị với hiệu trưởng và mình đã phải nghỉ việc sau đó.
Mình chỉ ở mức độ nhẹ, bị phụ huynh phản ứng, kiến nghị nhưng cũng đã "mất việc". Quả thực nếu bị phụ huynh hành hung đánh đập thì mình cũng không biết ai sẽ bảo vệ mình, sẽ có quy định nào bảo vệ nhà giáo?
Qua những vụ việc gần đây liên quan đến giáo viên, mình nghĩ cần phải xây dựng riêng những quy định để bảo vệ thầy, cô giáo. Không những vậy, cũng cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên để tình trạng này không còn diễn ra nữa”.
Đồng quan điểm với cô Hiểu và cô Dung, thầy Bùi Gia Nội, Quản lý trung tâm Luyện thi Việt Trì, TP Việt Trì, Phú Thọ cũng cho rằng: "Hiện tượng thầy cô bị hành hung bởi phụ huynh trong thời gian gần đây là một hiện tượng rất đáng buồn trong giáo dục.
Về mặt pháp lý thì pháp luật bảo hộ thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bất kì công dân nào nên đây là một hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng của phụ huynh.
Nhưng điều rất buồn và đáng lên án là hành động phụ huynh hành hung thầy cô nó đi ngược với truyền thống tôn sư trọng đạo, xúc phạm hình tượng người thầy trong xã hội, nó làm cho những thầy cô tâm huyết trong sự nghiệp giáo dục cảm thấy bị tổn thương và làm cho tâm lý xã hội bất an về môi trường giáo đang có xu hướng suy thoái.
Rất may đó mới chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng dứt khoát công luận và xã hội phải lên án mạnh mẽ để nó không tái diễn vì đó là hình ảnh rất xấu trong giáo dục.
Bởi trên phương diện pháp luật, thầy cô cũng là một công dân và được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Hành vi hành hung thầy cô là hành vi xâm hại về sức khỏe và đặc biệt là xâm hại danh dự nghề nghiệp rất nghiêm trọng.
Nếu chúng ta áp dụng nghiêm minh luật pháp trong trường hợp này thì đã đủ tính ngăn chặn sự việc này tái diễn.
Ngoài ra để hạn chế hiện tượng xấu nêu trên, tôi nghĩ các trường học cũng nên có nội quy hướng dẫn về việc tiếp thu và giải quyết các phản ánh, bức xúc của phụ huynh, hạn chế việc phụ huynh trực tiếp vào lớp gặp các thầy cô giải quyết vụ việc".
Cũng theo thầy Nội, để giải quyết gốc rễ vấn đề thì công tác đào tạo giáo viên cần phải được coi trọng, nhất là nghiệp vụ sư phạm. Công tác quản lý, cấp phép đối với các cơ sở giáo dục cần phải chặt chẽ hơn.
Bởi đã có những trường hợp thầy cô ứng xử chưa thực sự mô phạm với học sinh, thậm chí bạo hành trẻ nhỏ. Điều đó cũng tạo nên tâm lý lo ngại về phía phụ huynh và trong một số trường hợp nó đã tạo nên hình ảnh rất xấu trong giáo dục.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Cô giáo bị đánh, bắt quỳ doạ sảy thai: Cộng đồng giáo viên lên tiếng tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].