Bảo Yến chia sẻ, ung thư gan đến với cô không hề được báo trước như những loại ung thư khác. Trước đây, cứ 8 tháng cô lại đi khám tổng quát. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên 2 năm nay, cô không đi kiểm tra sức khoẻ.
Mới đây, Bảo Yến đi khám sức khoẻ. Trong vòng 4 ngày, cô đi khắp 4 bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội, và cuối cùng tại Bệnh viện quân đội 108, bác sĩ chẩn đoán cô mắc ung thư gan giai đoạn 3.
Bảo Yến cũng thừa nhận cô là cô có thói quen thức khuya khi hầu hết cô đi ngủ khi đã 12 giờ, có khi là 1-2 giờ sáng. Cách đây khoảng 3-4 tháng cô giáo trẻ mới thay đổi, đi ngủ lúc 11 giờ nhưng có vẻ là đã quá muộn vì ung thư đã phát triển từ hơn 1 năm trước.
Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề thức khuya có phải là nguyên nhân gây ung thư hay không, GS Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: "Thức khuya không phải là nguyên nhân gây ung thư".
Về nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư gan, GS Bá Đức cho rằng, có đến 80% bệnh nhân ung thư gan tại Việt Nam xuất phát từ vi rút viêm gan B, viêm gan C.
Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam mắc viêm gan B rất cao, khoảng 25%. Người bị nhiễm viêm gan vi rút B, C) nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, rất dễ trở thành viêm gan mãn tính gây xơ gan và chuyển biến thành ung thư gan.
Nhiễm aflatoxin do ăn loại nấm mốc trong các loại hột ẩm mốc như đậu phộng, bắp, gạo… độc nấm. Chất độc aflatoxin khi đi vào cơ thể sẽ tấn công trực tiếp vào gan gây tổn hại cho gan gây ung thư.
Một thói quen trong lối sống hàng ngày cũng dẫn đến bệnh ung thư gan đó là việc thường xuyên uống rượu bia. Bởi rượu bia có các chất độc gây hại cho gan, dẫn đến nguy cơ xơ gan, sau đó là ung thư gan.
Chất động hoá học còn tồn dư cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Ngoài ra còn có yếu tố khác như đột biến gen.
GS Bá Đức cho hay: "80% nguyên nhân gây ung thư do tác động của môi trường, 20% do tế bào trong cơ thể tự đột biến".
GS Bá Đức khuyên nên đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng. Nếu có vấn đề về sức khỏe gan như tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan... thì phải điều trị ngay. Những bệnh nhân có virus viêm gan B, C phải tích cực điều trị, nên đi tầm soát ung thư định kỳ 3-6 tháng một lần.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Cô giáo 24 tuổi bị ung thư gan có phải do thức khuya quá nhiều? tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].