“Bỏ” con chưa đầy 1 tuổi ở nhà đi học đỡ đẻ để giúp chị em trong xóm
Lấy chồng và sinh con từ lúc 15 tuổi, chị Lý Thị Bay (sinh năm 1992, ở thôn 16, xã Cư K'Bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), người dân tộc H’Mông thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người phụ nữ dân tộc thiểu số như mình phải trải qua khi phải làm vợ, làm mẹ từ sớm, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Đặc biệt là giai đoạn “vượt cạn” thập tử nhất sinh của 2 mẹ con không có người giúp đỡ, phải sinh ở nhà thuận tự nhiên chỉ vì quá nghèo khó, kém hiểu biết và quan niệm lạc hậu.
Chứng kiến nhiều trường hợp cả mẹ và bé đều tử vong vì khó sinh, sinh xong bị nhiễm khuẩn… nên chị Bay quyết tâm đi học khóa học 6 tháng “Cô đỡ thôn bản” để có thể giúp đỡ chị em trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc em bé, tư vấn những kiến thức về kế hoạch hóa gia đình…
Thời điểm quyết định đi học, con của chị Bay chưa đầy 1 tuổi, nhưng vì phải lên phố, cách nhà hơn 100km nên chị Bay buộc phải cai sữa con sớm, để con ở nhà cho chồng chăm và khăn gói đi học những kiến thức về chăm sóc sức khỏe với mong muốn giúp ích được bà con trong thôn xóm.
Học được điều hay, lẽ phải muốn về chia sẻ, giúp đỡ bà con dân làng nhưng không ít lần chị Bay bị mọi người mắng chửi vì đi ngược quan niệm người dân trong vùng.
“Làm công việc theo dõi sức khỏe thai sản, đỡ đẻ cho chị em trong thôn làm tôi không ít lần bị gọi đi đỡ đẻ lúc 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, trời mưa tầm tã.
Khi đến nhà thai phụ, qua thăm khám tôi thấy tử cung mở chưa nhiều, vẫn kịp di chuyển lên huyện nên tôi khuyên thai phụ đến bệnh viện sinh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Tự tôi phải chở thai phụ đi bởi nếu không chở thì gia đình cũng không đi. Họ nói “Tôi không biết tiếng Kinh, đi viện họ nói gì tôi không biết, tôi sợ”.
Lúc đó tôi đảm bảo với họ tôi sẽ đi cùng để phiên dịch và giúp đỡ họ mới đồng ý để tôi chở đi.
Rồi có trường hợp tôi chở thai phụ từ nhà ra bệnh viện huyện để đẻ, người chồng thai phụ đi làm về còn chửi mắng tôi, anh ta cho rằng phải để vợ đẻ ở nhà như quan niệm của người dân trong làng, chỉ khi nào ở nhà không đẻ được mới đưa đi bác sĩ.
Những lúc như vậy tôi phải kệ những tiếng chửi mắng, cố gắng làm hết sức mình miễn sao cho sản phụ mẹ tròn con vuông là được”.
Bị người nhà thai phụ ném bát vào mặt, cấm đến nhà
Từng chứng kiến em bé ngay bên cạnh nhà sau sinh bị tử vong mà không biết tại sao, người lớn trong nhà cứ nói bé bị ma bắt. Mãi sau này mới biết trẻ tử vong là do uốn ván rốn, mẹ thì tử vong do chảy máu nhiều.
Phải chứng kiến nhiều những hoàn cảnh thương tâm như vậy làm chị H.Ộch (dân tộc Mạ, sinh ra tại xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) quyết tâm đi làm cô đỡ thôn bản để giúp đỡ người dân trong buôn làng.
Chị H.Ộch tâm sự: “Buôn làng tôi sống có nhiều phong tục tập quán lạc hậu, việc tiếp cận với dịch vụ y tế không mấy ai biết, sống chết chỉ biết dựa vào số mệnh, dựa vào đất trời và thần linh ban phước.
Người dân ở buôn làng tôi có quan niệm phụ nữ mang thai phải đi làm nương rẫy thường xuyên mới dễ sinh, kiêng ăn tôm cua vì sợ sinh con chân càng, chân khoèo, ăn ốc sợ con thè lưỡi, suốt thai kỳ chỉ ăn cơm độn khoai sắn với rau rừng.
Nhìn những bà mẹ mang thai thiếu chất vừa gầy vừa xanh, làm lụng mãi cho tới lúc trở dạ sinh mà bà mẹ chỉ có nghỉ ngơi vài ba ngày, ai ốm yếu quá ở nhà khoảng 7 ngày là nhiều nhất làm tôi vừa thương vừa giận”.
Hơn nữa, người dân tộc Mạ của chị H.Ộch còn có quan niệm, khi phụ nữ sinh con không cho ai nhìn hay chứng kiến, lúc trở dạ chỉ có người chồng ở nhà, có nhà thì mời bà mụ dân gian đỡ đẻ, còn đa phần là chồng hỗ trợ và tự đẻ.
Trong lúc chờ em bé sinh ra thì bà mụ ở trong nhà chọt chọt hai bên hông của mẹ đồng thời người chồng cầm chày giã gạo ra sân và giã xuống đất đến khi nào thấy em bé sinh ra thì thôi (con trai cứ mỗi hồi giã 7 cái, con gái giã 6 cái).
Bé chào đời được cắn rốn bằng nứa hoặc lồ ô và buộc rốn bằng sợi rau rừng chuẩn bị từ trước đã phơi khô treo trên nóc nhà.
Sau đó thì mẹ và bé nằm cạnh bếp lửa rồi người nhà đào một cái hố ngay dưới sàn cho mẹ và bé tắm.
Sinh con vất vả, tốn sức như vậy nhưng người mẹ chỉ được ăn cơm độn cùng muối giá với lá rau rừng có màu xanh đậm, không được ăn lá non.
Và sau đẻ, người phụ nữ không biết cách kế hoạch hóa gia đình nên đẻ nhiều và đẻ dày.
Những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ đó làm nhiều sản phụ bị tai biến mà chẳng ai có thể cứu chữa hay nhiều trẻ nhỏ bị tử vong đau lòng vì uốn ván cuống rốn.
“Tôi là một trong những người may mắn được đi học, biết được cái chữ. Sau đó tôi được già làng và các chị phụ nữ trong thôn động viên làm y tế thôn để giúp bà con ở buôn mình.
Sau 5 năm làm y tế thôn bản tôi được Trạm y tế xã chọn tham gia học lớp Cô đỡ thôn bản. Trong thời gian đi học tôi được dạy những kiến thức về khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc em bé, tư vấn… và nhận thức được vai trò của mình là phải đưa những kiến thức chăm sóc sức khỏe đúng đắn, hữu ích đến với người dân trong thôn bản.
Được sự ủng hộ của già làng, tôi phối hợp với chị em trong hội phụ nữ dùng tiếng nói của dân tộc mình tuyên truyền đến bà con trong thôn bản về cách làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh, chăm sóc trẻ bệnh, không sinh đẻ tại nhà, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3…” – chị H.Ộch cho biết.
Sau 6 năm hỗ trợ chị em trong công tác sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, chị Bay cũng nhận thấy nhiều tiến bộ trong công tác y tế ở thôn bản mình.
Trước đây khi mới làm cô đỡ thôn bản, trung bình mỗi năm chị Bay phải đỡ khoảng 6 ca.
Hiện việc vận động, tuyên truyền tốt, họ đi đẻ ở tuyến trên nhiều, nên năm nay chị Bay chỉ phải đỡ 1 ca sản phụ đẻ rơi không đi kịp đến cơ sở y tế.
Mô hình Cô đỡ thôn bản ra đời nhằm tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn đến các thôn bản.
Những phụ nữ trẻ là dân tộc thiểu số, trình độ từ lớp 5, biết đọc, biết viết tiếng Việt được lựa chọn đào tạo các kiến thức sức khỏe sinh sản, xử lý các tai biến sản khoa, sơ sinh. Từ đó, các cô đỡ tỏa rộng kiến thức y khoa đến từng vùng miền Tổ quốc, nhất là khu vực còn nhiều khó khăn, văn hóa còn lạc hậu.
Nhờ chương trình đó, người dân tộc thiểu số không chỉ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất mà còn nâng cao các kiến thức về bảo vệ sức khỏe sinh sản. Từ đó tỉ lệ tử vong mẹ trên số trẻ đẻ sống đã giảm rõ rệt, nhiều tai biến thai kỳ, sơ sinh được xử lý đúng cách, kịp thời.
Sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU) góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
Trong hơn 20 năm qua, EU đã đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực sức khỏe với kinh phí tài trợ 3.500 tỷ đồng.
Chương trình hỗ trợ chính sách ngành y tế kéo dài 9 năm gồm 2 giai đoạn, tập trung cho hỗ trợ cho các tỉnh, huyện, lỵ nghèo và khó khăn nhất của Việt Nam nhằm tăng cường độ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế; đào tạo cán bộ y tế; sửa chữa, nâng cấp bệnh viện và các trạm y tế xã; cung cấp các thiết bị y tế cơ bản; chuẩn hóa tài liệu hướng dẫn dịch vụ lâm sàng và cải thiện quản lý chất lượng bệnh viện.
Sự hỗ trợ của EU đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Y tế Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của ngành vì phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong những năm vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
“Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của EU. Những hỗ trợ quý báu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Y tế Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược ngành về phát triển bền vững, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện năng lực đảm bảo chất lượng dịch vụ ở tất cả các tuyến, xây dựng chính sách và kế hoạch hành động ngành y tế giai đoạn 2016 - 2020. Chúng tôi hy vọng EU sẽ tiếp tục hỗ trợ ngành y tế Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Cô đỡ thôn bản băng rừng trong đêm cứu mẹ con sản phụ nguy kịch tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].