Mới đây, Sở GTVT Hà Nội cho biết đang xây dựng đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030.
Mục đích chính của đề án này nhằm giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, bên cạnh đó hướng người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang công cộng.
Ngay lập tức, đề xuất của Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia giao thông.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học Giao thông Vận tải) nêu quan điểm cá nhân về đề xuất này.
Ùn tắc, ô nhiễm không chỉ do xe máy!
Tôi cho rằng, nói xe máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường là chưa chính xác, chưa đầy đủ. Ô nhiễm môi trường và tắc đường đến từ tất cả các phương tiện tham gia giao thông chứ không phải một loại phương tiện cụ thể.
Theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày ở Hà Nội có hơn 20 triệu chuyến đi. Khi so sánh cùng một chuyến đi giữa một người sử dụng xe máy và một người sử dụng ôtô, lượng phát thải của ô tô thường cao hơn xe máy.
Nếu người dân không sử dụng xe máy, chuyển sang ô tô cá nhân, ùn tắc giao thông sẽ tăng gấp 5 lần, ô nhiễm môi trường tính trên một chuyến đi cũng sẽ tăng lên.
Một chuyến đi bằng xe máy hiện nay có mức độ gây ra ùn tắc giao thông thấp nhất (so sánh với ôtô cá nhân và xe buýt). Phương tiện này có hiệu quả rất cao về mặt sử dụng không gian công cộng. Xe ô tô lại chiếm diện tích mặt đường nhiều hơn nên cần phải xem xét để đánh giá đúng trách nhiệm của từng loại phương tiện.
Phải kết hợp đồng bộ, đừng dùng cái này để triệt tiêu cái kia
Chúng ta thừa nhận rằng, chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng kết hợp cá nhân là xu hướng tất yếu của phát triển giao thông.
Nhưng đó là khi vận tải công cộng phải được nâng cấp về chất lượng và năng lực vận chuyển. Song song với việc tái cấu trúc, tăng cường năng lực của các tuyến metro, xe buýt, chúng ta sẽ triển khai song song các chính sách để hạn chế phương tiện cá nhân (không chỉ xe máy mà cả ôtô cá nhân).
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn vào thực tế hiện nay. Năng lực của các phương tiện công cộng đã đủ để phục vụ toàn bộ lượng người chuyển từ xe máy sang chưa? Năng lực phục vụ ở đây không chỉ là số ghế ngồi cho hành khách, số chuyến, số phương tiện trong ngày. Mà năng lực mà người dân mong muốn còn ở chất lượng dịch vụ, mức độ thuận tiện, chi phí, thời gian,...
Giải pháp còn lại mà Hà Nội trông đợi là hệ thống đường sắt đô thị (metro). Với tốc độ làm metro như hiện nay, trong vòng 10 năm tới Hà Nội cũng chỉ có 2 tuyến metro đi vào hoạt động là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, may mắn lắm thì có thêm một tuyến nữa trong tình trạng đang xây dựng. Với số lượng 2 - 3 tuyến metro thì cũng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Do đó, chúng ta cần xem xét ở những không gian nào thì xe máy được khuyến khích, đó là những nơi mà chỉ xe máy tiếp cận được. Ví dụ từ nhà ở trong ngõ ra các điểm trung chuyển, ga metro... Trên những trục đường chính, phải đảm bảo các phương tiện lưu thông với tốc độ cao thì cần xem xét hạn chế xe máy hoạt động.
Để làm được điều đó, giữa giao thông bằng xe máy và phương tiện công cộng phải có sự kết hợp thay vì triệt tiêu cái này để cho cái kia tồn tại.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Chuyên gia quy hoạch giao thông: Không phải xe máy, ô tô cá nhân mới gây ùn tắc cao nhất tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].