Cuối năm 2018, Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong đó có nhiều thay đổi lớn đáng chú ý so với chương trình hiện hành.
Trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, chương trình GDPT mới đã triển khai ở cấp Tiểu học, THCS với lớp 1,2 và 6.
Năm học 2022 - 2023 tới đây sẽ là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở bậc THPT, bắt đầu từ lớp 10. Do đó, chương trình lớp 10 năm học tới cũng có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành.
Sách giáo khoa mới
Thay đổi đầu tiên là Sách giáo khoa lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ thay đổi so với hiện nay. Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 44 đầu sách giáo khoa lớp 10 của 3 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều.
Môn Ngữ văn và Toán đều có 2 đầu sách thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Mỗi đầu sách gồm Ngữ văn 10 tập 1, 2, chuyên đề học tập Ngữ văn 10 và Toán tập 1, 2, chuyên đề học tập Toán 10.
Các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Âm nhạc đều có 2 đầu sách/môn của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều. Mỗi đầu sách cũng có 2 cuốn sách giáo khoa và cuốn chuyên đề học tập.
Môn Tiếng Anh vẫn là môn học có nhiều đầu sách giáo khoa nhất (9 sách giáo khoa), gồm sách của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sách Giáo dục thể chất chia theo các môn thể thao cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, đá cầu… Trong đó có môn có 2 đầu sách, có môn có 1 đầu sách.
Môn Tin học có 2 đầu sách thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cánh diều. Mỗi đầu sách gồm các cuốn Tin học 10, Chuyên đề học tập Tin học 10: Khoa học máy tính, Chuyên đề học tập Tin học 10: Tin học ứng dụng.
Môn Mỹ thuật, các sách giáo khoa được phê duyệt đều thuộc bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống.
Môn Công nghệ, các đầu sách được phê duyệt thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh diều.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp - các đầu sách được phê duyệt thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
Học sinh chỉ học 12 môn
Ở chương trình hiện hành, học sinh phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới, học sinh sẽ học ít môn hơn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích của mình.
Theo đó, các em phải học 7 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em chọn 5 môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). Đây là điểm mới hoàn toàn so với hiện tại, với định hướng nghề nghiệp rất cao.
Bên cạnh đó, học sinh phải lựa chọn ba cụm chuyên đề sao cho phù hợp với nguyện vọng bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Đây cũng là điểm khác biệt.
Cụ thể, mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề tạo thành cụm chuyên đề của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng kiến thức và kỹ năng thực hành để giải quyết các vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc và lựa chọn trên, chương trình có hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Các trường xây dựng tổ hợp môn học
Dù học sinh được lựa chọn môn học, chương trình mới cho phép các trường xây dựng tổ hợp môn học từ ba nhóm môn và chuyên đề nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của trường.
Về thời lượng giáo dục, mỗi ngày học sinh sẽ học một buổi, mỗi buổi không quá năm tiết, mỗi tiết 45 phút, tương tự hiện nay. Tuy nhiên, chương trình mới cũng khuyến khích các trường dạy học hai buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ. Học sinh sẽ học 29 tiết mỗi tuần trong năm lớp 10, thấp hơn mức 29,5+ theo chương trình hiện hành.
Hiện nay các trường THPT đang rất quan tâm tới việc triển khai chương trình mới lớp 10.
Đánh giá về chương trình mới, các chuyên gia giáo dục đều nhận định: Chương trình mới có nhiều điểm ưu việt hơn chương trình hiện tại.
Chương trình này đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, phù hợp với định hướng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế; giúp phát huy năng khiếu, sở trường của học sinh; đảm bảo nền tảng cho chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, các trường cũng cho biết vẫn còn gặp khó khăn trong cách triển khai để hợp lý, hiệu quả.
V.HưngBạn đang xem bài viết Năm học tới, học sinh lớp 10 có thể không phải học Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].