Theo y học dân gian, phương pháp chườm ngải cứu được cho là có nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh cảm cúm, đau nhức. Cùng tìm hiểu chi tiết xem chườm ngải cứu có tác dụng gì qua bài viết dưới đây nhé!
1 Giới thiệu về ngải cứu
Ngải cứu là gì?
Ngải cứu hay ngải diệp là một loại thảo dược có tên khoa học là Artemisia vulgaris L, thuộc họ cúc. Cây ngải cứu có thân thảo, cao từ 0,4 - 1m với lá mọc so le, hình chẻ lông chim và được bao phủ bởi lớp lông nhỏ.
Cây ngải cứu được tìm thấy mọc hoang dại ở nhiều vùng nước ta hoặc được trồng trong vườn như một loại rau gia vị. Trong y học, thân cành và lá cây ngải cứu tươi hoặc phơi khô thường được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.
Ngải cứu là một loại thảo dược thường được dùng với nhiều công dụng
Thành phần hóa học của ngải cứu
Cây ngải cứu có chứa rất nhiều thành phần hóa học đa dạng như carbohydrate, protein, axit amin, glycoside, camphor, germacrene D, 1,8-cineole, hợp chất phenolic… Ngoài ra, trong thành phần của cây ngải cứu còn tìm thấy được một số các hợp chất chống oxy hóa như flavonoid và saponin.
2 Chườm ngải cứu có tác dụng gì?
Ngải cứu là cây thuốc được biết đến với nhiều công dụng như điều hòa tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, an thai, trừ hàn, giải cảm, sát trùng và cầm máu… Một số công dụng của phương pháp chườm ngải cứu bao gồm:
Điều trị cảm mạo phong hàn
Chườm ngải cứu là phương pháp sử dụng túi chườm có chứa các thành phần của cây ngải cứu được sao ấm trên chảo với muối và chườm trên da. Quá trình chườm ngải cứu sẽ giúp trừ hàn vì thể thường áp dụng để điều trị các bệnh do lạnh như phong hàn, cảm mạo…
Chườm ngải cứu có thể giúp điều trị cảm mạo, phong hàn
Giảm đau lưng, đau nhức xương khớp
Ngải cứu khi sao nóng cùng gừng và muối sau đó chườm lên da được coi là bài thuốc giúp giảm đau xương khớp hiệu quả. Ngải cứu có chứa các hoạt chất kháng viêm, giảm đau như coumarin và flavonoid khi kết hợp với gừng có tính ấm làm giãn mạch, chống viêm và muối giúp duy trì độ nóng sẽ khiến người bệnh cảm thấy thoải mái nhanh chóng.
Chườm ngải cứu có thể giúp giảm đau lưng
Sát khuẩn, kháng viêm
Chườm ngải cứu với muối cũng có thể đem lại tác dụng kháng viêm, sát khuẩn hiệu quả, nhất là đối với người bệnh viêm khớp, phong thấp hoặc thoái hóa khớp. Lưu ý rằng, bạn có thể sử dụng biện pháp chườm ngải cứu với muối nhiều lần trong ngày để giảm đau, chống viêm hiệu quả.
Bệnh nhân viêm khớp có thể sử dụng chườm ngải cứu
Hỗ trợ điều trị mày đay, dị ứng do lạnh
Ngoài vai trò điều trị cảm cúm, chống viêm, giảm đau xương khớp nhanh chóng thì lá ngải cứu còn có vai trò hỗ trợ điều trị một số bệnh lý khác như dị ứng, mày đay. Chườm ngải cứu giúp giảm cảm giác lạnh ngoài da kết hợp với thành phần chống oxy hóa sẽ giúp làm tình trạng da nổi mày đay, mẩn đỏ do dị ứng.
Chườm ngải cứu giúp giảm mày đay, dị ứng hiệu quả
Thông kinh mạch, điều hòa khí huyết
Khí ấm nóng từ ngải cứu được sao lên kết hợp với các hoạt chất có trong cây ngải cứu là khi được tiếp xúc trên da sẽ giúp loại trừ hàn khí. Điều này có tác dụng ôn dương khí, đả thông kinh mạch và điều hòa khí huyết trong cơ thể giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, ấm áp và giảm cảm giác mệt mỏi.
Bạn có thể dùng chườm ngải cứu để thông kinh mạch, giảm mệt mỏi
Điều trị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý do nhân đĩa đệm giữa các đốt sống bị trượt ra ngoài và chèn ép vào các dây thần kinh khiến người bệnh đau nhức, tê bì vùng mông và chân. Chườm ngải cứu có thể giúp làm ấm vùng thắt lưng bị tổn thương, có tác dụng giãn cơ, chống viêm.
Từ đó, có thể cải thiện tình trạng chèn ép dây thần kinh và giảm các triệu chứng của thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân thoát vị nhẹ và đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài để đạt được hiệu quả.
Triệu chứng đau, tê bì của thoát vị đĩa đệm có thể được cải thiện khi dùng chườm ngải cứu
Hỗ trợ giảm đau đầu
Một trong những nguyên nhân gây đau đầu có thể do giảm tuần hoàn máu lên não khi thay đổi thời tiết, lo âu hoặc suy nhược thần kinh. Chườm ngải cứu không chỉ giúp thông kinh mạch, cải thiện tuần hoàn mà còn giúp đưa nhiều hoạt chất có lợi từ lá ngải vào trong cơ thể.
Ngải cứu có chứa các hoạt chất chống viêm, giảm đau có tác dụng với người bệnh đau đầu như:
- Flavonoids: giúp chống oxy hóa, bảo vệ mạch máu và cải thiện tuần hoàn.
- Cineole: vai trò giảm đau, kháng khuẩn có thể tác dụng qua đường tiếp xúc qua da khi chườm nóng hoặc hít tinh dầu.
- Coumarin: giúp giảm nguy cơ tắc mạch do huyết khối, cải thiện tuần hoàn máu não.
Các thành phần có trong chườm ngải cứu có thể giúp giảm đau đầu
3 Một số bài thuốc chườm bằng ngải cứu
Lưu ý rằng trước khi sử dụng bất kì loại thảo dược hoặc dược liệu nào để chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc bác sĩ y học cổ truyền. Đồng thời, tìm hiểu về cách sử dụng các loại dược liệu và liều lượng cụ thể để tránh những tác dụng không mong muốn.
Một số bài thuốc bạn có thể áp dụng khi chườm ngải cứu để điều trị bệnh bao gồm:
Bài thuốc chườm ngải cứu cùng muối và gừng
Chườm ngải cứu cùng gừng và muối có thể điều trị đau xương khớp nếu bạn áp dụng các bước sau:
- Nhặt sạch lá ngải cứu, rửa sạch và để ráo nước.
- Cho lá ngải cứu tươi, gừng đập dập và muối vào chảo sao khoảng 10 phút.
- Cho hỗn hợp vào miếng vải sạch hoặc túi chườm và đắp lên vùng lưng hoặc xương khớp bị đau.
- Chườm cho đến khi hỗn hợp hết độ nóng thì dừng lại.
Bạn có thể dùng ngải cứu, gừng và muối để hỗ trợ điều trị bệnh
Bài thuốc chườm ngải cứu kết hợp với giấm
Giấm là nguyên liệu có khả năng giảm đau, chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Sử dụng chườm ngải cứu với giấm có thể điều trị một số bệnh lý như đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm. Bạn cần thực hiện một số bước sau:
- Rửa sạch 300g ngải cứu tươi, để ráo nước rồi giã nát trong cối.
- Trộn lẫn ngải cứu nát với 200ml giấm.
- Đun nóng hỗn hợp rồi bọc lại trong khăn sạch hoặc túi chườm.
- Chườm nóng kết hợp với massage vùng bị đau trong 15 phút đều đặn mỗi ngày từ 2 - 3 tuần để đạt hiệu quả điều trị.
Dùng ngải cứu phối hợp với giấm có thể giúp giảm đau xương khớp
Bài thuốc chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu rang muối
Bạn nên thực hiện một số bước sau để chườm ngải cứu với muối:
- Chuẩn bị một lượng muối hạt và lá ngải cứu vừa đủ.
- Ngắt hết lá ngải cứu để rửa sạch và để khô.
- Sao lá ngải cứu với muối hạt cho đến khi hỗn hợp nóng lên.
- Cho hỗn hợp muối và lá ngải vào trong khăn sạch đồng thời chườm nhẹ nhàng lên vùng khớp bị viêm đau.
Bài thuốc chữa thoát vị đĩa đệm từ ngải cứu và rượu trắng
Bài thuốc giúp cải thiện triệu chứng của thoát vị đĩa đệm với ngải cứu và rượu như sau:
- Nhặt lấy phần lá và ngọn non của cây ngải cứu, đem rửa sạch và giã nát.
- Trộn đều lá ngải cứu với một lượng rượu trắng vừa đủ.
- Đem hỗn hợp rượu và lá ngải đun trên bếp cho nóng lên. Sau đó, bọc hỗn hợp vào trong khăn sạch.
- Chườm nhẹ nhàng lên vùng da bị đau trong khoảng 15 phút.
- Nếu hỗn hợp nguội, có thể tiếp tục đun nóng và sử dụng như bình thường.
Sao ngải cứu với rượu có thể giúp điều trị bệnh
Bài thuốc chườm ngải cứu giảm đau đầu
Hơi ấm từ ngải cứu nóng cùng với các hoạt chất có lợi từ ngải cứu không chỉ giúp điều trị đau nhức xương khớp mà còn giúp giảm căng thẳng, cải thiện đau đầu hiệu quả. Cách sử dụng chườm ngải cứu giảm đau đầu như sau:
- Sao lá ngải cứu tươi hoặc khô với một lượng nhỏ muối hạt.
- Bọc hỗn hợp lá ngải và muối ấm trong khăn vải rồi chườm lên da đầu trong 10 - 15 phút.
- Khi túi chườm nguội có thể lấy hỗn hợp ra và sao nóng lại để tiếp tục sử dụng.
4 Một số lưu ý khi chườm ngải cứu
Dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số điểm sau để sử dụng phương pháp chườm ngải cứu hiệu quả:
Liều lượng khuyến cáo
Dù có thể sử dụng ngải cứu ở dạng thuốc sắc uống hoặc đắp, chườm nhưng liều lượng sử dụng loại thảo dược này là khác nhau ở mỗi người. Vì thế, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tự chườm ngải cứu tại nhà.
Đối tượng chỉ định
Phương pháp chườm ngải cứu thường được chỉ định cho một số trường hợp sau:
- Người bệnh nhiễm phong hàn, cảm mạo.
- Co cơ, đau nhức xương khớp do lạnh.
- Đau bụng, đau dây thần kinh ngoại biên.
- Dị ứng, nổi mày đay do lạnh hoặc thay đổi thời tiết.
Chườm ngải cứu có thể được chỉ định cho bệnh nhân đau bụng
Đối tượng chống chỉ định
Một số trường hợp chống chỉ định của phương pháp chườm ngải cứu gồm:
- Vùng da đang tổn thương như vết thương hở, mụn nhọt, chàm…
- Vùng da mất cảm giác, không phân biệt được nóng - lạnh.
- Người bệnh sốt cao, nhiễm độc, nhiễm trùng.
- Người mắc bệnh cấp cứu hoặc bệnh lý tâm thần…
Người bệnh sốt cao không nên sử dụng chườm ngải cứu
Xem thêm:
- Ngải cứu: 10 tác dụng, liều dùng, lưu ý khi sử dụng
- 11 tác dụng của nước ngải cứu mà bạn nên biết
- 5 cách chữa đau xương khớp bằng lá ngải cứu đơn giản, hiệu quả tại nhà
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những kiến thức bổ ích về các tác dụng của phương pháp chườm ngải cứu. Bạn hãy chia sẻ bài viết này cho những người thân và bạn bè xung quanh nhé!
Bạn đang xem bài viết Chườm ngải cứu có tác dụng gì? 7 tác dụng, bài thuốc và lưu ý khi dùng tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].