Tại sao một số mẹ ‘đến tháng’ sớm hơn so với các mẹ khác sau khi sinh?
Khi em bé được sinh ra, cơ thể người mẹ được ‘lập trình’ một cách tự nhiên để cho con bú, thông qua các hormone.
Các hormone giúp cho cơ thể người mẹ thực hiện chức năng mang thai, sinh sản và cũng thúc đẩy cơ thể mẹ tiết sữa đủ trong quá trình nuôi con. Prolactin là hormone chịu trách nhiệm chính trong việc này.
Một cách ngẫu nhiên, hormone này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trì hoãn kinh nguyệt. Việc tiếp tục cho con bú của mẹ giữ cho hormone này luôn ở mức cao, giúp quá trình rụng trứng bị ngăn lại, do đó chu kỳ kinh nguyệt không diễn ra.
Vì vậy, nếu mẹ càng cho con bú lâu, bạn càng lâu thấy kinh nguyệt.
Các bà mẹ có kinh trở lại sớm sau khi sinh chủ yếu là do ít cho con bú. Nếu bé bắt đầu ăn dặm, ngủ suốt đêm – tức là các cữ bú giãn cách quá 6 giờ, thì bạn có thể thấy kinh nguyệt trở lại.
Những dấu hiệu chứng tỏ mẹ sắp ‘đến tháng’ trở lại
Thông thường, trước khi bạn có kinh nguyệt lần đầu tiên (sau khi sinh), bạn có thể trải qua một số triệu chứng tiền kinh nguyệt như chuột rút, đau bụng…
Các triệu chứng này có thể xuất hiện vài tuần hoặc thậm chí cả tháng trước khi chu kỳ kinh nguyệt chính thức trở lại.
Khi kinh nguyệt xuất hiện trở lại, bạn sẽ thấy chất dịch màu đỏ đậm hơn, xuất hiện nhiều hơn so với mức trước khi mang bầu.
Điều này là bình thường, tuy nhiên, nếu bạn thấy kinh nguyệt quá nhiều, bạn có thể mắc phải một tổn thương nào đó ở tử cung. Hãy gặp bác sĩ sản phụ khoa để kiểm tra ngay triệu chứng này.
Ngay khi kỳ kinh đầu tiên xuất hiện sau sinh, bạn cũng có thể nhận thấy thay đổi trong việc cho con bú.
Kinh nguyệt ảnh hưởng đến việc cho con bú như thế nào?
Một số bà mẹ thì không thấy kinh nguyệt có ảnh hưởng gì đáng kể đến việc cho con bú, tuy nhiên, một số khác thì có thể cảm thấy những thay đổi sau:
- Đầu vú mềm hơn vào giai đoạn rụng trứng
- Lượng sữa giảm bớt vào một vài ngày trước hoặc suốt trong khi ‘đèn đỏ’
- Mùi vị sữa cũng hơi khác khiến con bạn không muốn bú nhiều như thường lệ
Nếu phát hiện bất cứ thay đổi nào nói trên, bạn cũng đường lo lắng. Đây là những triệu chứng bình thường và xảy ra do sự biến đổi mức độ hormone trong cơ thể mẹ.
Bạn cần tiếp tục kiên trì cho con bú và thư giãn cho đến khi mọi chuyện trở lại bình thường.
Mẹ có nên cho con ăn dặm sau khi mẹ có kinh trở lại không?
Khi bắt đầu có kinh nguyệt trở lại, nhiều mẹ nghĩ rằng đã đến lúc cho con ăn dặm.
Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, đặc biệt là khi con bạn còn nhỏ hơn 6 tháng tuổi.
Việc cho con bú trong chu kỳ kinh nguyện không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con. Mặc dù lượng sữa giảm một chút nhưng dưỡng chất của sữa thì vẫn như cũ.
Bạn có thể ‘thu xếp’ việc này bằng cách ăn uống giầu chất xơ, đạm, đầy đủ chất béo, vitamins và khoáng chất.
Ăn nhiều hơn một chút so với ngày thường là điều cần thiết vì bạn cần có thêm năng lượng để bù cho cả việc cho con bú và tái tạo các tế bào máu trong những ngày ‘đèn đỏ’.
Một số loại trà thảo dược, rau quả giúp lợi sữa như chè vằng, tam thất, đu đủ xanh… có thể giúp ích cho bạn trong giai đoạn này.
Mẹ cũng cần uống nhiều nước, ăn thêm thức ăn lỏng mỗi ngày để tăng khả năng tiết sữa cho mẹ.
Để chuẩn bị cho việc sụt giảm sữa mẹ trong những ngày này, mẹ cũng có thể vắt sữa và cấp đông trong tủ lạnh vào những ngày trước đó để dự trữ.
Cần lưu ý điều gì để tránh mang thai ngoài ý muốn?
Khi có kinh nguyệt trở lại, mẹ cần ý thức rằng các chức năng sinh sản của cơ thể bắt đầu hoạt động trở lại.
Hãy nhờ các bác sĩ sản phụ khoa tư vấn về việc tránh thai vào khoảng 6 tuần sau khi sinh để tránh nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.
Nếu bạn muốn dùng thuốc tránh thai hoặc bất cứ hình thức tránh thai nào, hãy trò chuyện với bác sĩ để đảm bảo rằng việc này không ảnh hưởng đến quá trình cho con bú.
Việc cho con bú theo nhu cầu (nuôi dưỡng sinh học) cũng là một cách tốt để tránh thai. Nếu bé bú mẹ thường xuyên (khoảng cách giữa 2 cữ bú không quá 6 giờ) thì chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của mẹ sẽ đến vào khoảng 14 tháng sau khi sinh.
Khi chưa có kinh nguyệt đồng nghĩa với việc buồng trứng chưa trở lại hoạt động bình thường và mẹ có thể tránh thai một cách tự nhiên.
Điều quan trọng nhất cần nhờ là mỗi bà mẹ mới sinh đều khác biệt. Vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể mình, luôn quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý và trao đổi thường xuyên với các bác sĩ chuyên khoa.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Chu kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng thế nào tới việc cho con bú và chất lượng sữa mẹ? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].