Thông tư 52 có thêm mục cha mẹ hoặc người giám hộ khi đưa trẻ dưới 6 tuổi đi khám bệnh cần xuất trình chứng minh thư nhân dân để được kê đơn đang vấp phản ứng của nhiều người.
Ghi nhận thực tế, có gia đình có con bị sốt lên cơn co giật, bố mẹ chỉ mải đưa con đến cơ sở y tế chứ không nghĩ tới chuyện chuẩn bị giấy tờ. Thậm chí, có ông bố chỉ kịp mặc quần đùi, chẳng nhớ gì đến chuyện mang giấy tờ tùy thân.
Hay như với trường hợp, trẻ ở trường, trẻ sống với ông bà, người giúp việc… không may ốm ho, ngất xỉu. Khi đưa đến bệnh viện, vướng thông tư mới cũng phải ra về.
Đó đang là thực trạng chung của nhiều bệnh viện điều trị Nhi khoa trong hôm nay, khi Thông tư 52 – Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú bắt đầu đi vào hiệu lực.
Trong khi đó, vào tình huống này, bác sĩ lâm vào cảnh khó xử vì không kê đơn thì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy định từ chối bệnh nhân, kê đơn thì vi phạm quy định của thông tư mới nhất.
Mới đây, trong phụ lục I – mẫu đơn thuốc – của Thông tư 52 có thêm mục cha mẹ hoặc người giám hộ khi đưa trẻ dưới 6 tuổi đi khám bệnh cần xuất trình chứng minh thư nhân dân để được kê đơn nhằm giám sát tình trạng mua thuốc không đơn, sử dụng thuốc bừa bãi.
Thế nhưng, dù mới đi vào thực tế chưa đầy một ngày, Thông tư đã được nhiều phụ huynh có con nhỏ, các nhân viên y tế, bác sĩ “than khó” thực hiện, khó khả thi.
Một nhân viên y tế chia sẻ, thông tư có ý nghĩa, nhất là việc thắt chặt các vấn đề liên quan đến bảo hiểm và quản lý sử dụng thuốc. Và thông tư đưa ra, tất nhiên các bác sĩ đều thực hiện.
Bác sĩ này cho rằng, thông tư nên có sự điều chỉnh vì hiện nay, khi đi vào thực hiện, quy định không khớp với thực tế, bất hợp lý và không cần thiết. Nó không chỉ làm tăng thủ tục hành chính mà còn gây khó khăn, phiền hà cho người nhà bệnh nhân cũng như các y, bác sĩ.
Để giải quyết tối đa vấn đề kiểm soát bán thuốc theo đơn, Bộ Y tế nên hành động từ phía các quầy thuốc tư nhân, cần quản lý thắt chặt hoạt động, kinh doanh các đối tượng này vừa mang lại hiệu quả vừa thiết thực.
Mặt khác, việc hoạt động của nhiều phòng khám tư nhân cũng là vấn đề Bộ Y tế cần chú ý. Vì đây cũng là một trong những con đường “nhân rộng” kháng sinh nhưng lại rất khó quản lý.
Đồng quan điểm trên, một bác sĩ làm việc tại Bạch viện Bạch Mai chia sẻ: “Chúng ta nên nhìn nhận Thông tư ở cả mặt ưu điểm, nhược điểm và sự bất cập. Ở đây, nếu thực hiện được, đó là điều rất tốt. Ngoài đạt được những điều Bộ Y tế kỳ vọng, Thông tư còn góp phần thay đổi quan niệm khám chữa bệnh của nhiều cha mẹ. Nhưng, quy định lại chưa đi sát thực tế, nhất là trong việc khám chữa bệnh cho trẻ hiện nay.
"Bản thân tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp, cha mẹ đưa con đi viện nhưng do quá rối không kịp mang các loại giấy tờ tùy thân. Chưa kể, nhiều em cha mẹ đi làm xa, ở nhà với ông bà hoặc người giúp việc. Hay với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, chúng thường học ở trường với cô giáo là chủ yếu. Vậy với những trường hợp này, khi nhập viện sẽ gây “khó” cho các bác sĩ trong vấn đề kê đơn", bác sĩ nêu ý kiến.
Mặt khác, “khi bác sĩ kê đơn, nhiều trường hợp bố mẹ không thể đi mua mà giao phó cho một người khác. Như vậy sẽ rất lằng nhằng và câu chuyện quản lý càng khó hơn gấp bội”, cán bộ này chia sẻ.
Không chỉ riêng người thực thi, các phụ huynh cũng “than trời” vì câu chuyện giấy tờ, thủ tục. Phần lớn, các cha mẹ cho rằng quy định không cần thiết. Như với trường hợp, chị Dương Thị Thanh ( huyện Đông Anh, Hà Nội), có con trai 2 tuổi chia sẻ: “Mình thấy quy định này lại khá là rắc rối, ví như bố mẹ bé bận chăm bé không đi được rồi nhờ anh em họ hàng cô bác ông bà mua hộ thì lúc đó nên làm sao?
Mà nếu trong trường hợp, mình bị mất chứng minh nhân dân liệu có bị ảnh hưởng gì không? Rồi có kiểu mẹ bầu sinh xong nhớ nhớ, quên quên không nhớ nổi số chứng minh nhân dân thì sao? Quy định này có hơi rắc rối, phiền hà cho phụ huynh!”.
Hồng Ngọc - Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Cho trẻ khám bệnh phải trình chứng minh nhân dân: Con co giật, bố quần đùi đưa đến viện phải làm sao? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].