38/49 mẫu SGK được đánh giá “đạt”
Tại buổi họp báo, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 49 bản thảo sách giáo khoa mới từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định gồm: Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam; NXB Đại học Sư phạm; NXB ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh với tổng số có 49 bản mẫu SGK của 9 môn học ở lớp1.
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu SGK theo quy định tại Thông tư 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu và kết luận theo 3 mức: Đạt, Không đạt; Đạt nhưng cần sửa chữa.
Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 mẫu SGK lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,7%) được đánh giá “Đạt”; có 11/49 bản mẫu SGK lớp 1 ở 6 môn học/ hoạt động giáo dục (22,3%) đánh giá “Không đạt”.
Hôm nay, Bộ GD&ĐT công bố 32 bản thảo đạt của 8 môn gồm: Toán (5 bản thảo), Tiếng Việt (5 bản thảo), Đạo đức (5 bản thảo), Tự nhiên và xã hội (3 bản thảo), Âm nhạc (5 bản thảo), Mĩ thuật (5 bản thảo), Giáo dục Thể chất (1 bản thảo), Hoạt động trải nghiệm (3 bản thảo).
6 bản thảo còn lại là bản thảo môn Tiếng Anh chưa công bố lần này do đây là SGK tự chọn. Sau khi công bố môn học bắt buộc, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục công bố SGK các môn tự chọn cùng với các SGK chưa đạt sẽ được thẩm định lại.
Sẽ hướng dẫn các tỉnh lựa chọn sách giáo khoa phù hợp
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay: “Về nguyên tắc, các SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường.
Vấn đề chọn sách của đơn vị/tác giả nào làm tài liệu dạy học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện Bộ đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện luật. Căn cứ vào đó, UBND cấp tỉnh sẽ thành lập hội đồng chọn sách để sử dụng tại địa phương”.
Tại các địa phương, việc lựa chọn SGK tùy thuộc vào từng môn học. Về việc SGK lựa chọn để dùng chung trong các nhà trường, ông Thành cho rằng, trách nhiệm của nhà trường là phải trang bị SGK dùng chung nhằm đảm bảo quyền lợi của giáo viên, học sinh trong việc dạy học.
Về lộ trình, trước tháng 3/2020, các địa phương phải thành lập hội đồng và công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục được Bộ công bố. Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GD&ĐT cùng các nhà xuất bản tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho giáo viên. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường cũng sẽ tổ chức tập huấn, nhà xuất bản in ấn và phân phối sách.
Từ năm học 2020-2021, sách giáo khoa lớp 1 mới bắt đầu được sử dụng, thay thế bộ sách hiện nay.
V.LinhBạn đang xem bài viết Chính thức có sách giáo khoa mới cho lớp 1 trong năm học 2020-2021 tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].