Chỉ cần 2 giây, hành vi bạo hành y tế có thể được ngăn chặn!

Đứng trước tình trạng gia tăng nạn bạo hành y tế, mới đây, một Bác sĩ đã đề ra ý tưởng giải pháp công nghệ hệ thống an ninh thông minh phục vụ bảo vệ đội ngũ cán bộ (CBYT). Điều đáng nói, với giải pháp này, chỉ trong 2 giây, mọi hành động tấn công trong bệnh viện có thể được ngăn chặn.

Thực trạng hành hung bác sĩ đang là vấn đề rất nóng của ngành y

Thực trạng hành hung bác sĩ đang là vấn đề rất nóng của ngành y

Tấn công bác sĩ, y tá “bạo lực tràn vào bệnh viện”… là những cụm từ được nhắc đến rất nhiều khoảng 3 năm trở lại đây. Hàng loạt các vụ việc bạo hành Y tế, xâm hại nghiêm trọng tới danh dự, sức khỏe thậm chí là tính mạng của CBYT, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trở thành một vấn nạn xã hội. Bạo hành còn xảy ra đối với bệnh nhân đang được điều trị, khi các đối tượng tiếp tục vào bệnh viện tìm bệnh nhân để giải quyết mâu thuẫn phát sinh từ bên ngoài. 

Thực trạng đó, không chỉ khiến người dân hoang mang trước sự suy đồi đạo đức của một bộ phận nhỏ thiếu ý thức, thiếu hiểu biết pháp luật mà nó còn là một khoảng tối khiến nhân viên y tế không thể yên tâm công tác. Nhất là khi, hàng loạt các giải pháp được đề ra, được triển khai nhưng mới chỉ dừng ở tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Các thầy thuốc cho rằng, vẫn còn rất nhiều nguy hiểm tiềm ẩn trong khi họ đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và những giải pháp trên chưa thực sự thiết thực và có thể ngăn chặn khẩn cấp hành động bạo lực với CBYT.

Là một người bác sĩ, thấu hiểu được lo ngại của đồng nghiệp, mới đây, sáng 20/3, trong Hội nghị Triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ y tế năm 2018, TS BS Đinh Xuân Thành - Giảng viên, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Trường đại học Y Hà Nội đã chia sẻ về nội dung Hệ thống an ninh thông minh hỗ trợ chống bạo hành y tế.

Mô hình hoạt động của hệ thống an ninh thông minh

Mô hình hoạt động của hệ thống an ninh thông minh

Theo TS BS Đinh Xuân Thành cho biết, đây là một hệ thống an ninh thông minh phục vụ riêng cho việc bảo vệ đội ngũ CBYT được phát triển trên ý thưởng giải pháp công nghệ của anh và Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cùng triển khai.

Với mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe CBYT trong những tình huống khẩn cấp. Sử dụng, tích hợp dễ dàng với trang thiết bị hiện có trên người CBYT và các trang thiết bị sẵn có của bệnh viện. Khi bị bạo hành, chỉ trong vòng 2 giây, cán bộ y tế đó được hệ thống xác định vị trí và danh tính, đồng thời các thiết bị báo động được kích hoạt và bộ phận an ninh, cảnh sát trật tự sẽ kịp thời hỗ trợ để thiết lập lại trật tự.

TS BS Đinh Xuân Thành kỳ vọng, mô hình trên sẽ là giải pháp thiết thực, giải quyết tốt nhất một cách chủ động vấn đề bạo hành y tế. “Khi có sự cố, nhân viên y tế sẽ nhấn nút khẩn cấp trên thẻ thông minh, thẻ sẽ gửi tín hiệu cấp cứu thông qua đường truyền BLE (Bluetooth Low Energy) tới Bộ phận thu phát (Gateway). Tại đây, thông qua các tham số từ tín hiệu cấp cứu, vị trí “điểm nóng” và danh tính CBYT sẽ xác định và gửi về hệ thống điều hành trung tâm.

Hệ thống điều hành trung tâm kích hoạt hệ thống camera ghi hình, chụp ảnh và thực hiện các quy trình báo động đồng thời (còi, phát thanh, an ninh bảo vệ, cảnh sát trật tự, trực viện) để có sự hỗ trợ ngăn chặn kịp thời hành vi bạo hành đồng thời gửi báo cáo, thông báo tới lãnh đạo bệnh viện, cơ quan chủ quản, cơ quan truyền thông….

“Mục đích chúng tôi mong muốn là làm thay đổi tức thời hành vi bạo hành của đối tượng gây rối. Thực chất vấn đề ở đây là “sự bùng nổ” tâm lý, tại thời điểm tranh cãi, người ta không còn ý thức được việc mình đang làm là vi phạm pháp luật. Khi tín hiệu khẩn cấp từ CBYT phát đi sẽ kích hoạt còi báo động, hệ thống phát thanh yêu cầu thiết lập trật tự chính là sự cảnh tỉnh đầu tiên cho đối tượng gây rối, từ đó, có thể đối tượng sẽ điều chỉnh hành vi cho phù hợp”, TS BS Thành cho biết.

Cũng theo bác sĩ, môi trường y tế giống một xã hội thu nhỏ nên còn những tồn tại cần điều chỉnh. "Chúng tôi luôn ý thức làm việc theo pháp luật, cố gắng tự thay đổi phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Chúng tôi luôn mong muốn mọi người ủng hộ, chung tay vì một xã hội thêm phát triển.

Không chỉ phục vụ riêng cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, hệ thống này có thể mở rộng đối tượng sử dụng cho bệnh nhân đặc biệt dùng để gọi y tá, phục vụ, trực ca hoặc các đối tượng người cao tuổi, người có nguy cơ đột quỵ, người có nhu cầu được bảo vệ”, TS BS Đinh Xuân Thành chia sẻ.

Hồng Ngọc/GiaDinhMoi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính