Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị và theo dõi thường xuyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, tăng nguy cơ các bệnh về mắt, tim mạch, suy thận, đột quỵ,… Hãy cùng tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người bệnh tiểu đường thông qua bài viết này nhé.
1 Biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường
Kiểm soát lượng đường huyết là vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường. Do đó, người bệnh tiểu đường cần tuân thủ các biện pháp sau:
- Chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng: Tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều chất xơ, ít calo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường và muối. Đồng thời, uống nhiều nước.
- Luyện tập thể dục hằng ngày: Thực hiện đi bộ 10 phút, 3 lần/ngày và 2 lần/tuần tập luyện để tăng sức mạnh cơ bắp như yoga, nhảy dây,... nhằm duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Dùng thuốc điều trị tiểu đường theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Liên hệ với bác sĩ khi gặp bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào trong quá trình sử dụng thuốc.
- Người bệnh biết cách tự chăm sóc và theo dõi đường huyết. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để đảm bảo không xuất hiện bất kỳ vết thương nào, đồng thời bỏ thuốc lá và vệ sinh răng miệng hằng ngày.
Kiểm soát lượng đường huyết là quan trọng nhất trong điều trị bệnh đái tháo đường
2 Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường
Nguyên tắc trong chế độ ăn
Việc điều trị cho người đái tháo đường nên bắt đầu bằng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để kiểm soát chỉ số đường huyết. Điều này không chỉ hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch mà còn giúp kiểm soát mức cholesterol và cân nặng hiệu quả.
Do đó, trong chế độ ăn, người bệnh tiểu đường cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Bổ sung đủ 40ml nước/kg cân nặng mỗi ngày.
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói hoặc no quá sẽ rất khó kiểm soát đường huyết.
- Tính toán lượng thức ăn tiêu thụ để tổng mức năng lượng từ 30 - 35 kcal/kg/ngày ở nhóm lao động nhẹ và vừa, nhóm lao động nặng từ 35 - 40 kcal/kg/ngày và nhóm người béo phì 24 - 26 kcal/kg/người.
- Chia nhỏ, ít nhất 4 bữa ăn trong ngày và nên có 1 bữa ăn phụ vào buổi tối để tránh hạ đường huyết ban đêm.
- Không nên thay đổi chế độ ăn, khối lượng thực phẩm và cơ cấu trong bữa ăn quá nhanh.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như protein, chất béo, đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất,…
Việc điều trị đái tháo đường nên khởi đầu bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để kiểm soát chỉ số đường huyết
Nhóm đường bột (glucid)
Sau khi ăn, lượng đường trong máu sẽ tăng cao, do đó chế độ ăn của bệnh nhân cần hạn chế glucid. Tuy nhiên, cần cân nhắc không giảm quá nhiều để cơ thể vẫn duy trì cân nặng và hoạt động bình thường.
Tỷ lệ năng lượng do glucid cung cấp là 50 - 60% (đối với người bình thường khoảng 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Do đó, bạn nên bổ sung các loại glucid phức tạp có trong ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ, gạo còn vỏ cám, rau củ,... và chế biến bằng cách luộc, hấp, nướng. Đồng thời, hạn chế các loại đường đơn và thức ăn có hàm lượng đường cao như bánh mì, bánh ngọt, nui, mứt, kẹo, nước ngọt,...
Ngoài ra, các loại củ như khoai, sắn cũng có khả năng cung cấp nhiều tinh bột cho cơ thể. Do đó, những người bệnh tiểu đường nên ăn ít loại củ này hoặc cắt giảm khẩu phần cơm khi tiêu thụ chúng.
Chế độ ăn của bệnh nhân tiểu đường phải hạn chế glucid
Nhóm chất đạm (protein)
Người bệnh tiểu đường cần nhiều đạm hơn người bình thường. Khẩu phần ăn nên chứa 15-20% năng lượng từ đạm, thay vì 12-14% như người không mắc bệnh.
Những người tiểu đường nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (các loại thịt, cá, trứng, sữa ít béo) với protein thực vật (vừng, lạc, đậu, đỗ) được chế biến đơn giản. Không nên ăn các món nhiều dầu mỡ như thịt chiên, phô mai, cá rán, đậu phụ chiên,... và các loại thịt nguội chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói,...
Lượng đạm trong khẩu phần của bệnh nhân tiểu đường cần cao hơn so với người bình thường
Nhóm chất béo (lipid)
Những người tiểu đường nên ăn chất béo với lượng vừa phải, giảm chất béo bão hòa từ mỡ động vật vì có khả năng dễ gây xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, thực đơn cho người tiểu đường cũng cần cung cấp đủ chất béo tốt nhằm hạn chế những cơn thèm ăn, cung cấp đủ năng lượng mà vẫn kiểm soát đường huyết tốt. Tỉ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần (người bình thường là 18 - 20%) và không nên vượt quá 30%.
Thực phẩm chứa acid béo bão hòa thường được ưu tiên sử dụng có trong các loại dầu hạt như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương,... Đồng thời, các loại thức ăn chứa nhiều chất béo và cholesterol như trứng, nội tạng động vật, các loại thịt bò,... cũng nên hạn chế cho người tiểu đường.
Những người tiểu đường nên ăn chất béo với lượng vừa phải
Vitamin và khoáng chất
Cần đảm bảo cung cấp đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…) trong chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường. Các thành phần này thường có trong rau quả, trái cây tươi như dâu tây, cam quýt, mâm xôi, việt quất,...
Tuy nhiên, nên hạn chế ăn các loại trái cây chín ngọt như hồng, xoài, sầu riêng,.. và các loại trái cây sấy khô, đóng hộp.
Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng trong chế độ dinh dưỡng của người tiểu đường
Chất xơ
Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung những thức ăn có nhiều chất xơ vào chế độ dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ hòa tan. Rau củ quả giàu chất xơ, giúp bạn no lâu, ngừa táo bón và kiểm soát đường huyết, cholesterol hiệu quả.
Các loại rau xanh người tiểu đường nên ăn như cải bó xôi, cải xoăn, măng tây,…
Bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung thức ăn có nhiều chất xơ trong chế độ dinh dưỡng
Chia nhỏ bữa ăn
Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày như sau:
- Bữa sáng: 10%.
- Bữa phụ buổi sáng: 10%.
- Bữa trưa: 30%.
- Bữa phụ buổi chiều: 10%.
- Bữa tối: 30%.
- Bữa phụ buổi tối (trước khi đi ngủ): 10%
Để đảm bảo không bị tăng hoặc hạ đường huyết, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày
3 Tiểu đường nên kiêng ăn gì?
Bạn có biết, chia nhỏ bữa ăn không chỉ giúp bạn no lâu hơn mà còn là bí quyết kiểm soát đường huyết hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu cách chia nhỏ bữa ăn dựa trên tổng năng lượng cần để đường huyết luôn ở mức ổn định:
- Gạo trắng, bánh mì, miến, bột sắn dây, các loại củ nhiều tinh bột,... khiến lượng đường trong máu sau ăn tăng nhanh.
- Thực phẩm chứa chất béo bão hòa như thịt bò, thịt cừu, thịt heo, mỡ động vật, da của gia cầm,... nhiều cholesterol tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, không tốt cho sức khỏe.
- Thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa như khoai tây chiên, snack, bơ thực vật, bánh quy,…
- Các loại thịt lợn nhiều mỡ, da của gia cầm, nội tạng động vật, da của gia cầm,... giàu cholesterol.
- Các loại thực phẩm chứa nhiều đường như kem tươi, bánh kẹo, mứt, siro, nước có ga, hoa quả sấy khô,...
- Thức uống có cồn như rượu, bia,... chứa lượng carbohydrate cao, gây ảnh hưởng xấu tới bệnh tiểu đường.
Tiêu thụ nhiều gạo trắng khiến lượng đường trong máu sau ăn tăng nhanh
Xem thêm: Bệnh tiểu đường kiêng ăn gì? 14 loại thực phẩm bạn nên tránh
4 Chế độ tập luyện cho người bệnh tiểu đường
Nguyên tắc tập luyện
Bên cạnh chế độ ăn uống, việc xây dựng một chế độ tập luyện đi kèm với dùng thuốc là biện pháp rất cần thiết giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả. Xây dựng một chế độ tập luyện hợp lý cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chọn hoạt động thể chất vừa sức, phù hợp với lứa tuổi và thể trạng giúp bạn tiêu hao 170-400 kcal, nâng cao sức khỏe và kiểm soát đường huyết hiệu quả.
- Khởi động nhẹ nhàng trước khi tập luyện khoảng 10-15 phút.
- Thời gian tập khoảng 30-40 phút với cường độ cao, sau đó giảm dần và kết thúc bằng cách co duỗi hoặc đi bộ nhẹ nhàng.
- Luyện tập đều đặn, phối hợp nhiều kiểu tập khác nhau ít nhất 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả tối ưu.
- Cường độ tập luyện cho người bệnh chỉ khoảng 60 - 70% cường độ tập luyện tối đa đạt được, hạn chế cường độ quá nặng khiến huyết áp tâm thu tăng cao, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Xây dựng một chế độ tập luyện hợp lý là biện pháp giúp kiểm soát đường huyết
Đi bộ
Nếu bạn không có thói quen tập thể dục tại chỗ, hãy bắt đầu bằng việc đi bộ. Đi bộ là một trong những hoạt động được chỉ định nhiều nhất đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Đi bộ với tốc độ nhanh hơn 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần để đạt được mục tiêu tập thể dục với cường độ vừa phải 150 phút.
Người bệnh tiểu đường nên đi bộ thường xuyên để nâng cao sức khỏe và kiểm soát đường huyết hiệu quả
Thái cực quyền
Thái cực quyền là một bộ môn truyền thống của Trung Quốc, người tập thực hiện một loạt các chuyển động chậm rãi và thư thái cùng với hít thở sâu. Một nghiên cứu về ảnh hưởng của Thái cực quyền đối với bệnh đái tháo đường tuýp 2 đã kết luận rằng thái cực quyền giúp những người bệnh tiểu đường quản lý tốt lượng đường huyết và HbA1C của họ. Ngoài ra tập thái cực quyền còn cung cấp thể lực và giảm căng thẳng cho bệnh nhân.
Đồng thời, thái cực quyền cũng giúp cải thiện sự cân bằng và giảm tổn thương thần kinh hoặc bệnh thần kinh, đây là một biến chứng thường gặp ở những bệnh nhân mà lượng đường trong máu của họ không được quản lý tốt.
Thái cực quyền giúp những người bệnh tiểu đường quản lý tốt lượng đường huyết
Tập tạ
Người bệnh tiểu đường loại 2 thường đối mặt với nguy cơ mất khối lượng cơ bắp, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết. Tập tạ là giải pháp hiệu quả giúp tăng cường khối lượng cơ, từ đó cải thiện khả năng sử dụng glucose của cơ thể, duy trì đường huyết ở mức ổn định. Bạn có thể lựa chọn tập luyện với nhiều dụng cụ khác nhau như tạ tự do, máy móc hoặc dây đeo, tùy theo nhu cầu và thể trạng của bản thân.
Tập tạ giúp xây dựng khối lượng cơ bắp cần thiết ở những người mắc bệnh tiểu đường
Yoga
Căng thẳng có thể làm tăng lượng đường trong máu, khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn. Khi căng thẳng, cơ thể sản sinh ra các hormone khiến lượng đường trong máu tăng cao. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, yoga có tác dụng giảm căng thẳng hiệu quả, tương tự như Thái cực quyền. Đối với người bệnh tiểu đường loại 2, tập yoga thường xuyên giúp kiểm soát đường huyết, cải thiện độ nhạy insulin và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Yoga giúp giảm căng thẳng và kiểm soát tình trạng bệnh tiểu đường tốt hơn
Bơi lội
Bơi lội là một bài tập thể dục lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 vì nó không gây áp lực lên các khớp của bạn. Được thả mình trong nước sẽ giúp cơ thể bạn ít căng thẳng hơn so với đi bộ hoặc chạy bộ.
Bơi lội là một bài tập thể dục lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường
Đi xe đạp
Đạp xe là hình thức vận động nhịp điệu tuyệt vời, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, phổi hoạt động hiệu quả hơn và đốt cháy calo dư thừa. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, đạp xe thường xuyên, dù chỉ là vài lần mỗi tuần để đi làm, đi học,... cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ béo phì, huyết áp cao và mỡ máu cao - những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim mạch.
Để đạp xe, bạn thậm chí không cần phải ra khỏi nhà bằng một chiếc xe đạp cố định vì bạn có thể thực hiện việc đó trong nhà, bất kể thời tiết như thế nào.
Đi xe đạp giúp giảm nguy cơ béo phì, huyết áp cao và chất béo trung tính trong cơ thể
Xem thêm:
- Top 17 loại sữa dành cho người bị tiểu đường được ưa chuộng
- Dấu hiệu ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường: Cách nhận biết và phòng ngừa
- Lá dứa chữa bệnh tiểu đường được không? Lợi ích và cách dùng lá dứa
Bài viết đã mang đến những thông tin bổ ích về chế độ dinh dưỡng và luyện tập giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả cho người bệnh tiểu đường, phải không nào? Hãy chia sẻ bài viết để lan tỏa kiến thức sức khỏe đến người thân, bạn bè của mình nhé!
Bạn đang xem bài viết Chế độ dinh dưỡng và tập luyện giúp kiểm soát đường huyết tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].