Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi giúp phòng ngừa COVID-19 hiệu quả nhất

Trẻ em trong những năm đầu hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn nếu bị lây nhiễm bệnh, nhất là những trẻ cân nặng thấp, suy dinh dưỡng hay có bệnh nền, bệnh mạn tính.

Dưới đây là những hướng dẫn về dinh dưỡng của Hội Tiết chế Dinh dưỡng Việt Nam nhằm giúp cha mẹ tăng cường sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi.

Nguyên tắc dinh dưỡng chung cần đảm bảo cho trẻ

- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng theo nhu cầu của mỗi lứa tuổi. Nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng nếu trẻ có suy dinh dưỡng hay trong giai đoạn phục hồi của bệnh cấp tính.

Dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ cần đáp ứng nhu cầu theo lứa tuổi và theo nguyên tắc dinh dưỡng nếu trẻ có bệnh nền (nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa...). Cần tư vấn cán bộ dinh dưỡng nếu trẻ có suy dinh dưỡng hoặc bệnh nền.

  Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, ăn chín uống sôi, ăn đồ tươi ngon để đảm bảo an toàn và tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh minh họa

Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, ăn chín uống sôi, ăn đồ tươi ngon để đảm bảo an toàn và tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh minh họa

- Đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng).

Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, ăn chín, uống sôi, quá trình chế biến không bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chú ý thực hiện rửa tay thường xuyên, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi chế biến và cung cấp thức ăn, rửa tay trước khi ăn.

- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, sắt, selen, omega 3, probiotic... là những chất dinh dưỡng tham gia vào các hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

- Cho trẻ uống đủ nước để đảm bảo hoạt động tốt nhất cho các hệ cơ quan. Nước giúp hệ thống nhầy ở đường hô hấp hoạt động tốt, bảo vệ được tế bào ở các niêm mạc không bị tổn thương, giảm khả năng kết dính của các tác nhân gây bệnh vào tế bào, giúp hạn chế các vi khuẩn và virus xâm nhập vào hệ hô hấp.

Nước giúp các lông chuyển của đường hô hấp mềm mại, có khả năng đào thải bớt các tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể, do đó rất quan trọng trọng việc phòng lây nhiễm virus.

- Trẻ bị ốm phải được khám bệnh sớm và điều trị khỏi bệnh, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Tiêm chủng (chủng ngừa) đầy đủ theo lịch để phòng chống bệnh tật.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần có chế độ dinh dưỡng thế nào?

- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau khi sinh, cho trẻ bú theo nhu cầu, không cho ăn uống bất kỳ loại thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ. Cho trẻ bú mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, khi trẻ bị ốm hoặc tiêm chủng vẫn cho bú bình thường.

Sữa mẹ là thức ăn dinh dưỡng miễn dịch tốt nhất đối với trẻ em vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp trẻ phòng chống bệnh tật, đồng thời giúp hình thành và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh của trẻ, đặc biệt là hệ miễn dịch tại đường tiêu hóa. Trẻ bú mẹ cũng ít bị các rối loạn chuyển hóa khi trưởng thành.

  Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để trẻ có đủ miễn dịch phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để trẻ có đủ miễn dịch phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa

- Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng: Cần cho trẻ ăn càng sớm càng tốt vì khả năng mất nước, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt lớn hơn trẻ đủ tháng. Trẻ càng có cân nặng thấp, ít ngày tuổi thì càng cho ăn nhiều bữa. Ưu tiên sử dụng sữa mẹ, nếu trẻ sinh quá non, cân nặng lúc sinh dưới 1800 g, nhẹ cân so với tuổi thai, hay tốc độ tăng cân không đủ, cần được tư vấn bởi cán bộ dinh dưỡng để làm giàu các chất trong sữa mẹ cho phù hợp với nhu cầu cao hơn bình thường của trẻ sinh non.

- Chú ý chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lí cho người mẹ khi nuôi con bằng sữa mẹ.

Dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ từ trên 6 tháng đến 36 tháng tuổi

Đây là lứa tuổi mọc răng sữa và ăn mềm. Trẻ bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm, ăn sam) cùng với bú mẹ. Thức ăn bổ sung của trẻ sẽ tăng dần độ thô, độ cứng, độ đặc theo tuổi.

- Trẻ từ trên 6 tháng tuổi đến trên 7 tháng tuổi: sau khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, thường bắt đầu bằng bột lỏng. Cần tập cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, ăn từ lỏng đến đặc. Bổ sung thêm 1-2 lần nước hoa quả và duy trì bú mẹ 6-8 lần/ngày hoặc sữa công thức 700-800 ml/ ngày nếu mẹ không có sữa.

- Trẻ từ 8-9 tháng: trẻ đã có răng, cần tập cho trẻ phản xạ nhai, vì vậy cần tập cho trẻ ăn bột đặc hơn và thô hơn. Trẻ cần được tập ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tuy nhiên các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên.

Thức ăn nên được ăn cả cái để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, chất xơ, các vitamin và các chất khoáng có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Trẻ bú mẹ 5-6 lần/ngày, 2- 3 bữa bột đặc 10% (200 ml/ bữa với cá/ thịt/ trứng: 20-25g/ bữa; rau xanh: 10-20 g/ bữa, dầu/ mỡ: 7-10 ml/ bữa). Bổ sung thêm 1-2 bữa quả nghiền, sữa chua, phô mai.

- Trẻ từ 10-12 tháng: trẻ có thể ăn thô tốt hơn, chuyển sang chế độ cháo. Tiếp tục bú mẹ 4-5 lần/ ngày, 3-4 bữa cháo (cá, thịt, trứng: 20-25 g; rau xanh: 20g/ bữa, dầu, mỡ: 7-10 ml/bữa). Bổ sung 1-2 bữa quả chín, sữa chua, phô mai.

- Trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi: bú mẹ, 3-4 bữa cháo đặc (200-250ml/ bữa), sau 18 tháng tuổi có thể tập ăn cơm nát. Bổ sung 1-2 bữa quả chín cắt lát mỏng, sữa chua, phô mai.

- Trẻ từ 24 đến 36 tháng: trẻ ăn 3 bữa cơm chính cùng gia đình, mỗi bữa ăn bao gồm 30-40 g thực phẩm giàu đạm, 25-30 g rau lá, rau củ quả. Bữa phụ trẻ có thể ăn trái cây/ quả chín, sữa và chế phẩm sữa.

  Bữa ăn của trẻ cần có đủ tinh bột, chất đạm, chất xơ, các vitamin và các chất khoáng. Ảnh minh họa

Bữa ăn của trẻ cần có đủ tinh bột, chất đạm, chất xơ, các vitamin và các chất khoáng. Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng phòng bệnh cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi

Trẻ ăn cùng với gia đình: 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ. Theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho trẻ từ 3-5 tuổi, số lượng thực phẩm khuyến nghị cho 1 ngày ăn của trẻ như sau:

+ Ngũ cốc, khoai củ và các sản phẩm chế biến: ăn trung bình 5-6 đơn vị ăn ngũ cốc, khoai củ và sản phẩm chế biến trong một ngày.

+ Rau lá, rau củ quả: ăn 2 đơn vị rau lá, rau củ quả một ngày. Cho trẻ ăn phối hợp nhiều loại rau củ quả để cung cấp đa dạng các loại vitamin và chất khoáng khác nhau.

+ Trái cây/quả chín: ăn 2 đơn vị trái cây/quả chín một ngày. Nên cho trẻ ăn đa dạng các loại trái cây, quả chín.

+ Thịt, thủy sản, trứng và các loại hạt giàu đạm: ăn 3,5 đơn vị thịt, thủy sản, trứng và các loại hạt giàu đạm một ngày. Cho trẻ ăn cần đa dạng các loại thực phẩm giàu đạm, cần cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật.

+ Sữa và chế phẩm sữa: sử dụng 4 đơn vị sữa và chế phẩm sữa một ngày, tương đương 1 hộp sữa chua, 1 miếng phô mai và 200 ml sữa dạng lỏng. Nên phối hợp 3 loại sản phẩm sữa để tối ưu hóa thành phần dinh dưỡng trong sữa và chế phẩm sữa.

+ Dầu mỡ: sử dụng dưới 5 đơn vị ăn dầu/mỡ một ngày (dưới 25 ml dầu/mỡ một ngày).

+ Đường: sử dụng dưới 3 đơn vị 1 ngày (dưới 15 g đường).

+ Muối: Sử dụng dưới 3 g muối/ngày.

+ Nước: sử dụng 6 cốc nước và dịch lỏng (mỗi cốc nước tương đương với 200 ml nước). Không nên cho trẻ uống nước ngọt…

+ Tăng cường vận động: ở nhà cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập làm việc nhà như sắp xếp đồ chơi sau khi chơi, quét nhà và tự gấp quần áo cho trẻ. Cần hạn chế thời gian ngồi, xem tivi và chơi game.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính