Cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con? 8 tình huống ai cũng muốn 'chui xuống đất'

Cha mẹ cần nhận thức rằng, dù đúng là “tiền lì xì do bố mẹ lì xì con nhà người ta, nên con mình mới có” song đó là tiền mừng cho con trẻ, cha mẹ không nên tịch thu!

  Chị Anh Hoa, chuyên gia Giáo dục sớm, giáo viên Montessori quốc tế

Chị Anh Hoa, chuyên gia Giáo dục sớm, giáo viên Montessori quốc tế

 

Ý nghĩa của lì xì 

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động.

Tiền lì xì không quy định là mệnh giá nào, thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

Tuy nhiên hiện nay, khi nhận lì xì, có bao giờ bạn ở trong những tình huống sau chưa?

1- Người lớn tẽn tò khi bị so sánh mừng nhiều mừng ít

2- Trẻ con coi lì xì là thước đo “yêu thương” hay giàu có: mừng nhiều thì vui, ít thì xị mặt

3- Các cháu vừa nhận phong bao, xé ngay trước mặt khách để xem khiến khách bẽ bàng

4- Có cháu nhận thấy ít, nên chê luôn trước mặt hoặc kêu: Sao ít thế! khiến bố mẹ chỉ muốn chui xuống đất

5- Bố mẹ thấy con vừa được mừng tuổi thì liền “tịch thu”

6- Người lớn lợi dụng lì xì để “núp bóng” lấy lòng cấp trên hay người đang muốn nhờ vả

7- Bố mẹ nói chuyện, bàn luận lì xì trước mặt con trẻ về giá trị tiền khiến trẻ có suy nghĩ “quy đổi” hay “đánh giá” số tiền lì xì mà trẻ được nhận.

Cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con? 8 tình huống ai cũng muốn 'chui xuống đất' 1

8- Nhiều trẻ mang tiền đi đánh điện tử, hoặc mua sắm một số thứ với “tiền bỗng nhiên có” và bị bố mẹ la mắng thậm chí đánh đòn vì sử dụng tiền không đúng mục đích (Nhưng đích nào thì có khi cha mẹ chưa dạy trẻ)

Tốt hơn hết, để tránh những chuyện dở khóc dở cười thì có lẽ một trong số đó là cách chúng ta cần học các Ứng xử với lì xì ở cả người lớn và con trẻ.

Ứng xử với lì xì sao cho đúng?

A- VỚI NGƯỜI LỚN

Cha mẹ nên kể cho con nghe câu chuyện nguồn gốc của lì xì, mừng tuổi. Để qua đó giáo dục nhận thức của con đối với lì xì, để con hiểu mỗi đồng tiền con nhận là một lời chúc may mắn, chứ nó không hề nằm ở giá trị nhiều hay ít.

Cha mẹ tuyệt đối không đánh giá nhiều ít, nhận xét hay có những ý kiến đối với những người lì xì cho bé; trẻ có thể học theo và bắt chước.

Bản thân cha mẹ cũng cần học cách lì xì sao cho đúng: như dùng bao lì xì nên màu đỏ/vàng; tránh dùng số 4; lì xì tiền chẵn và mới, khi lì xì phải dùng 2 tay và khi được nhận lì xì cần lịch sự cảm ơn và cất gọn.

Cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con? 8 tình huống ai cũng muốn 'chui xuống đất' 2

Cha mẹ hướng dẫn các con cách đón nhận lì xì: chào hỏi khách, chúc Tết khách. Khi con được mừng tuổi thì con phải cảm ơn, rồi đón nhận bằng hai tay, tuyệt đối không mở phong bao trước mặt khách.

Sau đó học theo tục lệ xưa, các bố mẹ có thể đặt dưới gối con một túi vải, để cứ có khách đến nhà mừng thì con mang vào để trong đó, hết Tết tổng kết.

Cha mẹ cũng cần học là vậy. Khi ta là tấm gương sáng thì con trẻ học theo.

B- VỚI CON TRẺ

Tuy nhiên đối với trẻ em các cha mẹ đặc biệt lưu ý khi bé có thể nhận lì xì khi đi chúc Tết cùng ông bà bố mẹ hay Khách đến nhà chúc Tết và lì xì cho bé.

Dù ở trong trường hợp nào thì bé cũng cần học các kỹ năng sau:

- Chào hỏi khi gặp khách: Ba mẹ hướng dẫn con cách chào hỏi hơi khác biệt chút vào dịp Tết. Đó là bên cạnh các lời chào: con chào ông/bà/cô/chú thì thêm 1 lời chúc Tết dù ngắn gọn cũng nên có: Con chúc ông bà mạnh khỏe sống lâu/ Con chúc cô chú dồi dào sức khỏe.

- Ứng xử khi nhận lì xì: Khi bé được lì xì, trẻ cần biết cách đón nhận bằng hai tay, nói con xin/con cảm ơn và cất ngay vào túi/ví mang theo hoặc cất vào túi vải/hộp dưới gối/đầu giường.

Cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con? 8 tình huống ai cũng muốn 'chui xuống đất' 3

Tuy nhiên là con trẻ, đôi khi dù các cha mẹ đã dạy song con vẫn không tránh khỏi tò mò hoặc muốn xem là bao, thì lúc ấy cha mẹ hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng nói nhỏ với con về điều khoản đã thỏa thuận; tuyệt đối tránh quát mắng nhắc nhở con chốn đông người hay trước mặt người lạ.

Khi cả một cái Tết trôi qua, thì việc hướng dẫn trẻ sử dụng đồng tiền hợp lý là vô cùng quan trọng. Sau khi gia đình làm lễ hóa vàng, báo hiệu Ngày Tết thực sự kết thúc, các cha mẹ cùng con mở túi lì xì dưới gối và thu gom số tiền lì xì được nhận.

Cha mẹ cần nhận thức rằng, dù đúng là “tiền lì xì do bố mẹ lì xì con nhà người ta, nên con mình mới có” song đó là tiền mừng cho con trẻ, cha mẹ không nên tịch thu! Điều này rất dễ khiến trẻ khó chịu, ấm ức, tỏ rõ thái độ không phục đối với cha mẹ.

Với các trẻ cấp 1, các cha mẹ có thể dạy con về quy tắc 5 chiếc lọ sử dụng tiền hợp lý. Hoặc con có ý định sử dụng khoản tiền này như thế nào?

Nếu con muốn mua một số món đồ, cha mẹ có thể đưa con ra các cửa hàng để lựa chọn, và đánh dấu vào các mục đã tiêu.

Ngoài ra con có thể ủng hộ/lì xì lại một phần cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc để dành cho những mục tiêu xa hơn và lớn hơn. Cha mẹ cần cân nhắc kỹ trước sở thích của con và mong muốn của cha mẹ, tránh mâu thuẫn.

Hãy giải thích với trẻ lì xì là điều may mắn, tốt lành mà người lì xì muốn gửi gắm đến trẻ, mong sang năm mới trẻ chăm ngoan, học giỏi, mạnh khỏe…

Cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con? 8 tình huống ai cũng muốn 'chui xuống đất' 4

Cho nên, trẻ có quyền được nhận với một thái độ và cử chỉ trân trọng, đúng mực, lễ phép.

Lì xì để con trẻ sướng vui khi thêm tuổi mới. Ẩn sâu trong đó là hiểu hơn những phong tục, tập quán; những nét đẹp văn hóa đạo lý của dân tộc chứ không phải sự thương mại hóa của người lớn làm vấy bẩn đầu óc và tâm hồn trẻ thơ!

Để lì xì thêm phong phú, tránh thương mại hóa, người lớn cũng có thể lựa chọn một số hình thức lì xì khác kèm theo đồng tiền nhỏ mang ý nghĩa tượng trưng khiến trẻ thích thú như: lì xì hạt giống, lì xì đồ chơi, lì xì các loại kẹo hoa quả bắt mắt, lì xì sách…

Những món quà phù hợp với tâm lý và sở thích của trẻ chắc chắn còn mang lại niềm yêu thích và hạnh phúc cho con trẻ hơn nhiều!

Để mỗi độ Tết đến xuân về, nhắc đến Tết, các con còn hào hứng sướng vui với tuổi thơ ngập tràn trong thương yêu và hạnh phúc.

Tác giả: Anh Hoa, chuyên gia Giáo dục sớm, giáo viên Montessori quốc tế 

Lì xì có nguồn gốc từ đâu?

Nguồn gốc của tục lì xì ngày Tết bắt nguồn từ 1 câu chuyện rất đẹp từ xa xưa. 

Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. 

Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé.

Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.

Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, trong tiếng Trung Quốc gọi là “lợi thị” có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn.

Sau được phiên âm là “lì xì” và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính