Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng bố mẹ kèm cặp con không có lợi, chỉ gây hại cho con.
Là người mẹ có con ở độ tuổi đi học, theo tôi, ý kiến này chỉ đúng một nửa. Tức là là cha mẹ kèm cặp con sẽ không tốt cho con trong một số trường hợp sau - theo phân tích của chuyên gia:
- Cha mẹ không biết cách truyền đạt, làm con không hiểu bài. Tình trạng này kéo dài dễ làm con chán học, lười học.
- Cha mẹ nhiều khi thiếu kiên nhẫn dẫn đến việc quát mắng thậm chí đánh con khiến con rụt rè, giấu dốt không hiểu bài cũng không dám nói vì sợ bị la mắng. Mặt khác, hành vi bạo lực của cha mẹ sẽ gây tổn thương cho con về lâu dài.
- Tâm lý của phụ huynh là luôn nghĩ con mình kém hơn bạn bè nên bắt con phải học ở nhà, làm thêm bài tập khiến đứa trẻ bị quá tải và rối loạn trong tiếp nhận kiến thức.
- Cha mẹ có nền tảng học vấn thấp, không đủ trình độ dạy con dẫn đến việc phải lên mạng lấy bài giải rồi cho con chép lại như một cách đối phó với cô giáo (vì sợ con bị phạt). Nếu việc này lặp đi lặp lại sẽ làm con mất căn bản, học hành tụt lùi. Đây cũng chính là cách dạy con mà chuyên gia cho rằng "phản giáo dục".
Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ kèm cặp con cũng gây hại cho con. Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ học cấp 1, các con chưa ý thức được việc học, cha mẹ phải thường xuyên nhắc nhở nên nếu cha mẹ không kèm cặp con sẽ dẫn đến việc con bỏ bê việc học.
Mà nhiều khi cha mẹ dù muốn dù không cũng phải ngồi học cùng con, đặc biệt là khi con bước vào lớp 1, như con tôi, ngày nào cô cũng cho bài về tập viết. Nếu không kèm cặp con thì con không xong bài rồi con khóc vì sợ ngày mai vào lớp bị phạt. Thế là 2 mẹ con phải cùng học đến tối muộn.
Đúng là phần đông phụ huynh chúng tôi không có phương pháp dạy nhưng vì việc học của các con, chúng tôi phải luôn nỗ lực tìm cách để đồng hành cùng con, để con không bị bỏ lại phía sau.
Theo như ý kiến một số phụ huynh khác, việc kèm con học không hề gây hại mà trái lại, còn giúp con tiến bộ mỗi ngày.
- Xin lỗi, mình cũng kèm con nè, kèm nhẹ nhàng để biết con không hiểu bài chỗ nào thì giảng con hiểu bù lại. Không áp đặt bao giờ, không dạy vượt chương trình con đang học. Mỗi ngày con về tôi đều hỏi: Con hôm nay học vui không, có bài nào khó hay không hiểu không con? Rồi kèm con thôi. Thế là bé học rất tốt và rất tư duy. Mình mà áp đặt là bé bị áp lực và giáo dục thay đổi liên tục thì cha mẹ chúng ta nên hỏi con bài này trên lớp cô dạy con thế nào nhé?! Tôn trọng con mới được.
- Tôi biết chính xác, em học thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trung học vừa qua được mẹ học theo từ khi còn nhỏ. Không phải cứ kèm con học ở nhà là phản giáo dục mà ngược lại.
- Thật sự tôi cũng có con đi học tiểu học, bài nào mẹ chỉ và dạy, bé biết và đến lớp tự tin phát biểu hơn. Mẹ mà bỏ bê, thì coi như rằng một thời gian sau là biết. Cuối cùng con nói, con đến lớp có chỗ không hiểu lại mang về cho mẹ giảng. Tất nhiên là không phải bài nào cũng giảng thông hết, đành phải mua sách của bé về đọc, thậm chí phải tìm hiểu lời giải trước khi giảng cho bé.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đều cho rằng chương trình học hiện nay của các con quá nặng, chú trọng nhồi nhét kiến thức hơn là dạy trẻ các kỹ năng sống. Hầu như các con phải bơi trong bể kiến thức mênh mông.
Thực tế, nhận thức mỗi trẻ không giống nhau. Có bé sớm tự giác trong học tập, tự kham khảo, tìm tòi để nắm chắc kiến thức. Nhưng có những trẻ mê chơi hơn mê học, chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học. Với những em này đòi hòi ở cha mẹ sự kiên nhẫn rất lớn. Nếu bỏ bê, để trẻ tự học các con sẽ rất khó theo kịp bài trên lớp. Riêng các em lớn hơn, đa phần phụ huynh đều đầu tư tìm gia sư có chuyên môn dạy con bởi khối kiến thức lúc này cũng đã vượt quá giới hạn hiểu biết của cha mẹ.
Hơn nữa, ngay trong các buổi họp phụ huynh ở cấp tiểu học, chính các giáo viên cũng tha thiết nhờ bố mẹ ở nhà kèm cặp thêm cho các con ở nhà. Phần vì tiết học ở trường không nhiều để cô có thể tỉ mỉ quan tâm từng em một. Phần vì sự học của con luôn cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường.
Đó là một phần quan trọng không thể thiếu của giáo dục. Đó là lý do vì sao khi nghe chuyên gia nói bố mẹ dạy con học bài mỗi tối không có lợi, ngược lại chỉ gây hại cho con hay việc dạy học là của giáo viên và nhà trường, không ít phụ huynh đã lên tiếng:
- Ý kiến cá nhân của tôi là mong muốn giảm tải lượng kiến thức cũng như giờ học cho học sinh các cấp.. vì để nắm kiến thức cơ bản nhất không cần nhồi nhét quá nhiều lượng kiến thức vào đầu các con.. đẻ con ra mà thấy con đi học, ngày nào cũng đánh vật với việc đi học tôi thật sự thương con... bởi tôi biết lượng kiến thức có nhồi nhiều đến mức ko cần thiết vì con tôi cũng không thể trở thành thiên tài được.. mà thiên tài thật sự thì số lượng có hạn đếm trên đầu ngón tay chứ không thể sinh sôi nảy nở như việc cứ nhồi sọ là con phải trở thành thiên tài....
- Thời 8x đi học, cha mẹ còn chẳng thèm ngó đến sách vở hay đi họp phụ huynh, học sinh học có nửa buổi nhưng vẫn đọc thông viết thạo, lên lớp nào là hiểu lớp đó, không lên nổi thì rớt học lại. Còn giờ cải cách kiểu gì mà cả học sinh và phụ huynh đều đau đầu, năm nào cứ đầu năm học là bao nhiêu vấn đề để nói rồi cũng đâu vào đấy, chẳng thay đổi được gì.
- Tôi có nghe một câu chuyện là có ông bạn Tây ghé nhà chơi ông bố phải cho con đi đến cô giáo để phụ đạo, ông mới hỏi con anh không học ở trường à? Có học chứ, ông Tây cứ băn khoăn mới hỏi thế ở trường học cái gì. Ông bố chẳng biết trả lời sao đành nói ở Việt Nam nó vậy.
Là cha mẹ đang có con ở tuổi tiểu học, trung học, các phụ huynh nghĩ gì trước ý kiến cho rằng cha mẹ kèm cặp con học ở nhà không có lợi, ngược lại chỉ gây hại? Hãy cùng bàn luận để các bậc cha mẹ cùng có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này hơn nhằm tìm ra định hướng cho việc giáo dục con cái của mình nhé!
Theo WTT
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Cha mẹ dạy con học bài mỗi tối không có lợi, thậm chí gây hại cho con tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].