Thậm chí, “tuyệt tác trên đỉnh Bà Nà” còn chắp cánh sáng tạo sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật.
Chỉ một tháng sau khai trương, cây cầu có thiết kế độc nhất vô nhị trên thế giới đã tạo nên một cơn bão truyền thông trên toàn cầu.
Và lập tức, nó đã được “chọn mặt gửi vàng”, trở thành sân khấu độc đáo của show thời trang mang tên “A walk to the sky - Dạo bước trên mây” của đạo diễn Long Kan, quy tụ các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam như Chung Thanh Phong, Lê Thanh Hòa… cùng nhiều người mẫu, ca sĩ, diễn viên… hạng A của giới showbiz Việt.
Chia sẻ lý do lựa chọn sàn catwalk “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử thời trang Việt, vị đạo diễn trẻ tài ba chỉ nhấn mạnh một điều: Đây là nơi khởi điểm đầy ấn tượng cho sự thăng hoa của nghệ thuật.
Thiết kế độc đáo, hai bàn tay khổng lồ nâng đỡ cây cầu uốn quanh giống như đang nâng đỡ những bước chân phiêu bồng giữa mây trời đại ngàn, không chỉ khiến các nhà mốt tràn đầy cảm hứng sáng tạo mà ngay cả các người mẫu cũng hứng khởi, tự tin sải bước giữa không trung.
Mới đây nhất, cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe” với chủ đề “Tinh hoa Việt Nam” cũng nhận được nhiều bài thi lấy ý tưởng từ Cầu Vàng, điển hình là tác phẩm “Nàng Hill” của tác giả Nguyễn Nam Thanh và tác phẩm “Cầu Bàn tay” của tác giả Nguyễn Anh Thư.
Đây có thể nói là một “sự lạ”, bởi xưa nay, khi lựa chọn trang phục cho các người đẹp Việt dự thi hoa hậu quốc tế, người ta vẫn thường chọn áo dài, hoặc nếu không thì cũng là những bộ cánh với biểu tượng ngàn đời như cồng chiêng, hoa sen hay tre, trúc… Cầu Vàng, với sự độc đáo của nó đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho thời trang.
Và nếu hai mẫu thiết kế thời trang này được chọn, thì đó rất có thể sẽ trở thành một biểu tượng cho một Việt Nam mới sáng tạo, năng động, cuốn hút.
Đâu chỉ riêng tại nước nhà, Cầu Vàng còn truyền cảm hứng cho cả các kỹ sư xây dựng nước ngoài. Chỉ hai tháng sau khi ra mắt và gây sốt toàn cầu, kiến trúc “độc nhất vô nhị” của Cầu Vàng khiến chính quyền nước Anh tuyên bố đang cân nhắc phương án và đề xuất xây dựng một cây cầu có quy mô lớn như vậy với chiều dài 1,5km tại thị trấn Rameswaram, bang Tamil Nadu.
Chưa hết, vào tháng 10/2018, kỹ sư người Wales - Benji Poulton đã quyết định thiết kế cây cầu bắc qua eo biển Menai giống như kiểu dáng đặc biệt của Cầu Vàng, nhưng thay trụ đỡ trung tâm từ bàn tay khổng lồ thành bức tượng người khổng lồ Bendigeidfran (Brân the Blessed)- vị vua của nước Anh trong thần thoại xứ Wales.
Ngoài thời trang và kiến trúc, Cầu Vàng còn vươn tầm ảnh hưởng tới cả lĩnh vực kinh doanh thương mại khi nhiều sản phẩm, thương hiệu quen thuộc như điện thoại Sam Sung, sữa tươi Vinamilk đều lựa chọn Cầu Vàng làm bối cảnh chính cho các TVC gần đây.
Đặc biệt, trong chiến lược sản phẩm mới nhất của mình, hãng Carlberg Việt Namđang triển khai dự án sản xuất bia Huda lon phiên bản đặc biệt với thiết kế khắc họa các địa điểm nổi tiếng của miền Trung Việt Nam. Và Cầu Vàng là một trong những địa danh được lựa chọn.
Thậm chí, hình ảnh Cầu Vàng còn xuất hiện trên nhiều sản phẩm lưu niệm, đồ dùng sinh hoạt khác như phin pha café, chặn giấy, thẻ kẹp sách, móc chìa khóa, hay bể cá… vô cùng dễ thương.
Sức hút của cây cầu đi bộ trên không này dường như vẫn chưa dừng ở đó, bởi những ý tưởng, những sản phẩm được khơi nguồn ý tưởng từ Cầu Vàng vẫn đang tiếp tục hứa hẹn sẽ vô cùng bất ngờ.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Cầu Vàng Bà Nà Hills xuất hiện trên lon bia Huda và quảng cáo của Samsung, Vinamilk tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].