Đẹp như bước ra từ thước phim giả tưởng
Vào tháng 8-2018, khi lần đầu tiên Cầu Vàng ra mắt và tạo nên một cơn dư chấn trên truyền thông quốc tế, Sun Group đã một lần nữa ghi tên mình vào danh sách những “người tiên phong” kiến tạo nên các công trình đẳng cấp thế giới.
Có nhiều điều để miêu tả cây cầu này chăng? Không, đó đơn giản là một cây cầu bằng gỗ kiềng dài gần 150m, rộng 12,8m, gồm 8 nhịp, với lan can bằng inox mạ vàng, nằm vắt trên hai bàn tay khổng lồ tạc bằng đá như mọc ra từ sườn núi.
Nhưng điều khiến cây cầu đẹp như một huyền thoại chính là ở đôi bàn tay được tạo tác như thể từ ngàn năm trước, tạo hóa đã sinh ra nó. Và thứ nữa là ở vị trí của cây cầu, tại độ cao 1.414 mét so với mực nước biển, khiến nó trông giống như một dải lụa nằm vắt lưng trời, nơi các sườn núi bao quanh và những đám mây dạo qua hững hờ.
Đó chính là nơi để ta bắt được các thời khắc đẹp đẽ nhất của đất trời, cũng là nơi để ta hiểu rõ nhất cái cảm giác “đi dạo trên mây” là như thế nào.
“Cây cầu đẹp nghẹt thở như bước ra từ phim Chúa tể những chiếc nhẫn”, đó là mô tả của trang tin Bored Panda. Còn The New York Times thì tả có phần chân thực hơn: "Từ trên các vách đá, xuất hiện một đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ một sợi chỉ vàng, như thể chính ngọn núi đã mọc ra đôi bàn tay vậy".
Rất khó có thể dùng ngôn từ để tả cho thấu vẻ đẹp tạo nên sức hút của Cầu Vàng. Đó là một thiết kế tổng hoà đến khó tin của mềm mại và cứng cáp, của thơ mộng và kỳ vĩ, của vật chất và tâm linh, của hiện thực và không tưởng. Cho nên, cây Cầu Vàng dễ dàng hớp hồn bất cứ ai, bất kể người đó theo chủ nghĩa duy vật hay duy tâm, là những người theo đuổi trường phái nghệ thuật vị nghệ thuật hay chỉ đơn giản đang tìm kiếm một điểm check-in sống ảo.
Nó quá đẹp để được gọi là một cây cầu. Nó sinh ra để trở thành kiệt tác.
Thánh địa của các sáng tạo nghệ thuật
Cầu Vàng đã vượt qua khỏi một công trình nghệ thuật kiến trúc thông thường để trở thành một biểu tượng du lịch mới của Đà Nẵng, thậm chí của Việt Nam, một nàng thơ của những người làm nghệ thuật. Từ các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, điêu khắc, cho đến thời trang đều xúc động trước vẻ đẹp huyền ảo của Cầu Vàng và khiến nó trở thành khởi nguồn cho các sáng tạo đỉnh cao.
Ngay sau khi Cầu Vàng ra mắt không lâu, Long Kan – vị đạo diễn trẻ mang danh xưng “kẻ mộng mơ trên sàn catwalk” đã tổ chức show diễn thời trang vô tiền khoáng hậu với cái tên “Dạo bước trên mây”. Các thiết kế thời trang lẫn trong mây, ẩn hiện giữa núi đồi hùng vĩ đã không chỉ khiến các tín đồ thời trang mãn nhãn, mà còn lan toả một hình ảnh đẹp tựa huyền thoại về đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng thế giới.
Cao Trung Hiếu – một đạo diễn sáng giá trong làng âm nhạc với hàng loạt concert cháy vé thì chia sẻ: “Cầu Vàng như một đài vọng cảnh tuyệt đẹp của Đà Nẵng, nơi có thể ngắm trọn toàn cảnh thành phố từ trên cao. Mỗi lần tới đây tôi đều ấp ủ một ước mơ, đó là đưa một buổi diễn âm nhạc lên Cầu Vàng, tôi tin rằng đây sẽ là một sân khấu cực kỳ ấn tượng và “không đụng hàng”.
Kết quả là mới đây, anh đã chọn Cầu Vàng làm thánh đường của nghệ thuật âm nhạc, để tổ chức Lễ hội âm nhạc trực tuyến quốc tế United We Stream Asia (UWSA), một dự án âm nhạc phi lợi nhuận được thực hiện tại 12 quốc gia châu Á nhằm gây quỹ đóng góp cho cộng đồng nghệ sỹ châu Á trong dịch COVID-19. Trong một khung cảnh vô cùng ảo diệu, sự kiện âm nhạc ấn tượng chưa từng thấy được livestream trên toàn thế giới đã thu hút hơn 10.000 lượt view.
Lần đầu tiên, một lễ hội âm nhạc được tổ chức trên một nền cảnh huyền ảo đến choáng ngợp trong sự biến thiên của đất trời – màu nắng chiều dát vàng trên thành cầu như một dải lụa vàng óng ả, màu hoàng hôn tím lịm trộn giữa mây phủ quện với thanh âm réo rắt của giai điệu violin, và khi màn đêm buông xuống, đôi bàn tay khổng lồ đỡ dưới cây cầu sáng rực rỡ đầy sức sống như chính vẻ đẹp của một Việt Nam tươi trẻ.
Vậy là, với sự kết nối của nghệ thuật âm nhạc, thế giới một lần nữa dành vô vàn lời tán dương cho vẻ đẹp của Cầu Vàng và Đà Nẵng tiếp tục trở thành điểm đến mơ ước của các tín đồ du lịch toàn cầu.
Cầu Vàng, với một thiết kế độc nhất vô nhị, rõ ràng đã vượt qua khỏi giá trị của một cây cầu dẫn lối du khách đến với miền tiên cảnh trên đỉnh Bà Nà, để trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật, trở thành chất xúc tác để nghệ thuật đỉnh cao cất cánh.
Mới đây nhất, tại cuộc thi tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam thi Miss Universe với chủ đề “Tinh hoa Việt Nam”, tác phẩm Nàng Hill và Cầu Bàn Tay lấy cảm hứng từ Cầu Vàng đã gây được sự chú ý lớn của công chúng.
Bằng những sáng tạo như thế, Cầu Vàng không đơn thuần chỉ là một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn nữa, mà còn là một nguồn cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật khác được khơi nguồn. Cầu Vàng cũng không chỉ là điểm đến của du lịch giải trí, mà còn là thánh địa của nghệ thuật, đưa Sun World Bà Nà Hills trở thành điểm đến nổi tiếng toàn cầu, thành công viên chủ đề hàng đầu Việt Nam hai năm liên tiếp do World Travel Awards trao tặng.
Và tương lai, người ta tin rằng, cây cầu vẫn sẽ còn đưa khu du lịch trên đỉnh Bà Nà đạt đến những giải thưởng mới, bởi sức nóng của Cầu Vàng vẫn còn chưa hạ nhiệt.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Cầu Vàng - nàng thơ của nghệ thuật tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].