Chạy chữa 5 bệnh viện lớn vẫn không tìm được bệnh lạ của con
Chị Nguyễn Thị Lý (mẹ của bé Bình) cho biết, bé phát bệnh cách đây 2 tháng. Chị nhớ lại hôm đó là vào chủ nhật, cậu con trai đi học thêm về cứ kêu đau đầu.
Cứ tưởng thay đổi thời tiết làm con mệt mỏi, khó chịu nên chị Lý cho con uống paracetamol để giảm đau đầu.
Nhưng uống thuốc được khoảng một tiếng, bé Thanh Bình vẫn luôn ôm đầu và bảo ‘mẹ ơi con vẫn đau đầu lắm, khó chịu lắm’.
Sinh cố mãi mới được cậu con trai nên thấy con luôn miệng kêu đau vợ chồng chị Lý sợ hãi và hốt hoảng.
‘Vợ chồng tôi cấp tốc cho cháu đi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thăm khám.
Cách đây một năm cháu cũng từng kêu đau đầu như thế và uống thuốc là khỏi. Nhưng lần này người cháu cứ mềm nhũn ra, có lúc lại ngất lịm không biết gì làm tôi càng sợ.
Tôi muốn cho con chụp chiếu, thăm khám kỹ càng nhưng hôm đó lại là chủ nhật, bác sĩ chỉ khám, cho thuốc bổ não và hẹn thứ 2 đến làm các xét nghiệm và chụp chiếu sau.
Nhưng trên đường về nhà cháu khóc nhiều và kêu đau dữ dội hơn nên vợ chồng tôi lại mang con đến Bệnh viên Nhi Trung ương để khám lại’ – mẹ bé Thanh Bình chia sẻ.
Tại Bệnh viện Nhi, Thanh Bình được bác sĩ khám, lấy máu làm xét nghiệm và kết luận bị viêm họng nhẹ.
Điều trị theo đơn thuốc bác sĩ Nhi kê được 5 ngày Thanh Bình vẫn kêu đau đầu, chỉ khi nằm ngửa hoặc bế ngửa cháu mới thấy dễ chịu.
Thậm chí có những lúc đang nằm, cháu chỉ ngóc đầu khoảng 15 độ là bị ngất, bố mẹ nâng Bình ngồi dậy thì người cậu mềm nhũn.
Lo lắng với bệnh lạ của con nên vợ chồng chị Lý tiếp tục cho con đi thăm khám, chụp chiếu ở Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả chụp chiếu, thăm khám cho thấy sức khỏe cháu bình thường. Có bác sĩ còn đùa rằng ‘Thanh Bình giả bị bệnh để làm nũng bố mẹ’.
Tuy nhiên, thấy con vẫn kêu đau đầu, người mềm nhũn và ngất khi ngồi, đi đứng nên vợ chồng chị Lý kiên trì đưa con đi kiểm tra tại nhiều bệnh viện khác.
Chỉ chưa đầy 2 tháng, cậu bé 8 tuổi này đã được bố mẹ đưa đi khám ở 5 bệnh viện lớn với mong muốn nhanh tìm ra bệnh để điều trị đúng, hiệu quả.
Các bác sĩ đã làm không biết bao nhiêu xét nghiệm, chụp chiếu đủ kiểu nhưng đáp án của câu hỏi ‘con tôi bị bệnh gì?’ vẫn không đến được với gia đình chị Lý.
‘Mỗi lần thăm khám và chẩn đoán lại có một kết quả khác nhau, nào là thiếu máu não, rối loạn tiền đình, rối loạn phân ly hỗn hợp, nhược cơ, có khối u ở tuyến ức, tổn thương dây thần kinh ở cổ…
Hơn nữa, bệnh của con có biểu hiện ngày càng nặng nên tôi càng thấy sợ hãi. Với hy vọng ‘còn nước còn tát’, chúng tôi tìm đến phương pháp chữa bệnh bằng Đông y ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương để thử vận may’ – mẹ bé Thanh Bình tâm sự.
Con sinh bệnh do cha mẹ chiều chuộng
Lúc chấp nhận lời đề nghị điều trị Đông Tây y kết hợp theo tư vấn của bác sĩ ở Bệnh viện Châm cứu Trung ương gia đình chị Lý cũng không đặt quá nhiều hy vọng vì bệnh của con khá đặc biệt.
Sau 5 ngày điều trị theo phương pháp của Đông y gồm điện châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, can thiệp tâm lý, bé Thanh Bình đã có thể tự ngồi dậy, đi lại được…
Khi được hỏi về tình trạng bệnh của bé Thanh Bình, ThS-BS Dương Văn Tâm – Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi Bình cho biết, ‘bệnh nhi Bình vào viện trong tình trạng cổ mềm, loạn động cổ.
Khi nâng đầu bệnh nhi lên khoảng 15 độ là cháu ngất, sau 1 phút cho nằm xuống sẽ tỉnh dậy. Nâng cả người bệnh nhân mềm nhũn, đầu lắc lư không có trí tuệ và nhận thức.
Qua thăm khám và điều trị bệnh cho cháu tôi thấy cháu có những dấu hiệu của hội chứng rối loạn phân ly hỗn hợp. Đây là một chứng trong rối nhiễu tâm trí trẻ em và dễ gặp ở những trẻ thần kinh yếu.
Với những triệu chứng điển hình là loạn động, mất trương lực cơ, mất tri giác và trên người bệnh nhân không tìm thấy một tổn thương căn nguyên nào.
Trong Đông y, hội chứng rối loạn phân ly hỗn hợp thuộc chứng Can khí uất. Tức là, chức năng của tạng Can (gan), phủ Đởm (túi mật) bị rối loạn làm khí uất nặng gây lấp tắc tâm khiếu, dẫn đến Thần minh (trí tuệ) của trẻ bị u ám và mất tri giác.
Do đó, quá trình điều trị bệnh cần bổ ích công năng tạng phủ, giải uất, từ đó giúp trí tuệ của trẻ trở lại bình thường.
Đây là một ca bệnh khó và chúng tôi phải lên một phác đồ điều trị có sự kết hợp cả Đông y và Tây y với nhiều phương pháp như điện châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, can thiệp tâm lý…
Thật may là cơ thể cháu thích ứng tốt với phác đồ điều trị của chúng tôi nên kết quả điều trị tiến triển rất tốt, chỉ một vài ngày nữa cháu có thể ra viện’.
Trong gần 30 năm khám và điều trị bệnh cho trẻ nhỏ, đây là lần thứ 3 bác sĩ Tâm gặp phải trường hợp trẻ mắc hội chứng rối loạn phân ly hỗn hợp.
Gần đây nhất là trường hợp của bệnh nhi Quyền Thị Phương Hà (17 tuổi ở Phú Thọ).
Phương Hà nhập viện điều trị trong tình trạng mất tiếng đột ngột sau ức chế tâm lý.
Trước đó, do mâu thuẫn với bạn học nên Hà bị các bạn đánh hội đồng. Khi bố mẹ Hà biết chuyện đã mắng chửi, rầy la, thầy cô ở trường thì trách phạt, bạn bè tiếp tục đe dọa…
Do bị sốc về tâm lý, bị kinh hãi, uất ức nên Phương Hà bị mất tiếng nói đột ngột.
Trường hợp bệnh lý của Hà thuộc phạm trù rối loạn phân ly của y học hiện đại. Còn trong Y học cổ truyền, đây là chứng uất, do kinh khiếp quá mức mà thận bại, do uất ức quá mức mà Can Đởm bị rối loạn.
Với trường hợp của Phương Hà, sau 5 ngày được bác sĩ Tâm điều trị bằng các phương pháp của Đông y, Hà đã nói được câu đơn, ngọng.
Sau 7 ngày điều trị, Hà nói được câu dài, chậm và 8 ngày điều trị có thể nói lưu loát rõ ràng.
Theo bác sĩ Tâm, với những trường hợp bệnh của Thanh Bình và Phương Hà thì yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát bệnh và điều trị bệnh của các cháu.
Cha mẹ cứ nghĩ yêu con, chiều chuộng con là tốt nhưng thực tế lại làm trẻ hư và hình thành tâm lý ‘muốn gì được nấy’ ở trẻ. Đến khi không được như ý muốn trẻ sẽ nổi giận, ức chế thần kinh và sẽ gây bệnh ở những trẻ thần kinh yếu.
Bên cạnh đó, một số cha mẹ chọn cách giáo dục con bằng cách mắng chửi, đòn roi… cũng làm trẻ sợ hãi, ức chế mà gây bệnh.
Vậy nên, cha mẹ hãy lựa chọn cách chăm sóc, dạy con đúng mực để con phát triển tốt nhất cả về thể chất, trí tuệ và tâm thần.
Linh LyBạn đang xem bài viết Cậu bé 8 tuổi mắc bệnh lạ cứ ngóc đầu ngồi dậy là ngất, nằm xuống lại tỉnh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].