Theo Sport5, khoảng phút thứ 70 trận đấu, một CĐV nhí khoảng 4, 5 tuổi có dấu hiệu co giật, nuốt lưỡi trên khán đài đông nghẹt như chảo lửa ở sân Thiên Trường.
Do khán đài chật người, người hâm mộ chỉ có thể chuyển cậu bé xuống sân để lực lượng chức năng hỗ trợ.
Hình ảnh cho thấy hai chiến sĩ cảnh sát cấp tốc đưa bé trai đi cấp cứu. Một đồng chí bế em bé, một người khác dùng tay chịu đau ngăn bé cắn lưỡi.
Được biết, bé trai sau khi được cấp cứu kịp thời đã tỉnh lại. Tuy nhiên em bé vẫn được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe kỹ hơn.
Hành động chịu đau cho tay vào miệng bé trai của người chiến sĩ được cộng đồng mạng biểu dương và chia sẻ. Chỉ trong vòng chưa đầy một giờ, bài đăng đã nhận được hơn 19.000 lượt yêu thích.
Cách xử lý khi trẻ co giật so sốt
Hành động của chiến sĩ CSCĐ trên là đẹp và ý nghĩa, tuy nhiên theo Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khi phụ huynh có con cháu co giật, việc cho tay vào miệng trẻ là cách xử trí chưa đúng.
Dưới đây là 12 mẹo cần biết khi trẻ co giật do sốt theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM:
- Thường chỉ xảy ra ở trẻ 6 tháng đến 7 tuổi, nếu ngoài lứa tuổi này mà sốt giật thì coi chừng bệnh não hay động kinh
- Thường ở trẻ có di truyền, sốt cao 39 độ và nhiệt độ lên nhanh quá
Khi bị giật do sốt
- Bình tĩnh, vì nếu giật do sốt thì khó mà bị ảnh hưởng nhiều đến não
- Nằm nghiêng mặc sang bên, nơi thông thoáng, cởi đồ ra
- Nhét thuốc hạ sốt
- Lau mát hạ sốt: nước không nóng quá (sốt 39 mà lau nước 40 độ lại càng sốt thêm) trời không lạnh thì lau nước thường là được
- Dùng khăn nhưng nước vắt nhẹ, còn đủ ướt vì nếu khô quá sẽ không hiệu quả
- Nước đắp khăn hiệu quả là vùng nách, bẹn (vì vùng này có nhiều mạch máu), đắp, lau thấy khăn ấm lên là thay, lau đắp liên tục tới khi thuốc ngấm và hạ sốt
- Không cần đưa bất cứ vật gì vào miệng vì không có tác dụng mà còn có nguy cơ tổn thương niêm mạc miệng, gãy răng gây hít sặc nhất là trẻ nhỏ còn răng sữa chưa ổn định. Tuyệt đối không nặn chanh vào miệng, người co giật đang mất ý thức sẽ không nuốt được và sặc vào phổi gây viêm phổ, suy hô hấp.
- Không lau nước đá, không lau rượu, không cần nhúng bé vào thau nước, không dùng nước nóng quá
- Không vắt chanh vào miệng
Phòng ngừa:
- Trẻ đã từng 1 lần co giật do sốt có thể sẽ bị lại: cần có cặp nhiệt và thuốc hạ sốt (nhét và uống) tại nhà khi nghi ngờ bé sốt, cặp nhiệt 38 độ thì cần cho uống thuốc, lau mát khi chờ thuốc ngấm
- Khi bé sắp/dọa co giật: sốt run người, hoảng hốt cũng phải uống thuốc, lau mát nếu không sẽ giật
Tham khảo clip hướng dẫn xử trí sốt co giật từ BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố:
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Cảnh sát cơ động nén đau giải cứu CĐV nhí co giật, ngất xỉu trên SVĐ Thiên Trường tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].