Trong quá trình tham gia chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19, các y bác sĩ thường phải mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo. Trong 1 ca trực kéo dài khoảng 12 tiếng, nhân viên y tế phải hạn chế tối đa việc cởi bỏ trang phục, thậm chí là hạn chế đi vệ sinh do việc này khá gây mất thời gian.
Từ thực tế này, TS Trương Thanh Tùng và các cộng sự tại Viện nghiên cứu tiên tiến thuộc Trường đại học Phenikaa đã đưa ra ý tưởng cải tiến để giải quyết đồng thời 2 vấn đề: cấp nước, chất điện giải cho người mặc đồ bảo hộ và giúp họ đi vệ sinh dễ dàng, thuận tiện.
Theo đó, để người sử dụng dễ dàng uống nước, bộ đồ bảo hộ liền thân được bổ sung phần cung cấp nước cho người mặc bằng cách dán thêm túi chứa nước ở phía trong 2 vạt áo, mỗi bên chứa 1 loại nước khác nhau: nước lọc và nước điện giải, kèm theo ống dẫn cùng van 1 chiều để đưa nước, chất điện giải… lên miệng.
-“Van 1 chiều sẽ hạn chế nước đã vào khoang miệng bị chảy ngược xuống túi làm mất vệ sinh và dễ hỏng trong điều kiện phải trong thời gian dài” – TS Tùng giải thích.
Để cải tiến giúp người mặc đi vệ sinh dễ dàng hơn, TS Tùng cho biết, mấu chốt của việc này là khoét lỗ của bộ đồ liền thân. Theo đó, nhóm tiến hành dự kiến thiết kế thêm “nắp chụp” và đưa thêm phần ‘váy quây’ bổ trợ bên ngoài giúp bảo vệ phần cơ thể bên trong cho người mặc.
-“Phần 'váy quây' sẽ có nhiều lớp, (từ 3 đến 5), tuỳ thuộc vào nhu cầu đi vệ sinh (số lần đi). Sau mỗi lần đi vệ sinh, một lớp sẽ được bóc tách và loại bỏ, chỉ để lại lớp sạch bên trong.
Do có nhiều lớp nên tiêu chuẩn cho lớp bổ trợ này không cần quá cao, có thể sử dụng nylon màu mà vẫn đảm bảo an toàn chống lây nhiễm. Phần trên và dưới lớp sử dụng viền cao su bó thích hợp, giúp bộ quần áo không hở ra môi trường.
Đặc biệt, mỗi lớp 'váy quây' được cố định bằng các sợi dây, có tác dụng cầm để kéo lớp 'váy quây' xuống và lên. Ngoài ra, chúng tôi cũng tính đến việc sử dụng một loại dung dịch loại khuẩn để phun vào bề mặt giữa các lớp nhằm loại bỏ virus, vi khuẩn, tăng khả cường khả năng bảo vệ hơn” – TS Tùng cho biết.
Hiện, những cải tiến này đang ở dạng ý tưởng với sản phẩm minh họa thử nghiệm. Theo TS Tùng, ý tưởng này phù hợp với tình hình khẩn cấp, đồ bảo hộ hiếm do nhu cầu phát sinh số lượng lớn.
-“Quy chuẩn của Bộ Y tế là dựa trên các minh chứng khoa học để đảm bảo an toàn cho người mặc bộ áo bảo hộ. Mặc dù mới chỉ ở mặt ý tưởng, song các tính toán lý thuyết của chúng tôi cho thấy việc cải tiến vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tất nhiên sản phẩm hoàn chỉnh sẽ cần các đánh giá độc lập từ Bộ Y tế, song trong tình trạng dịch COVID-19 lây lan mạnh như hiện nay, chúng tôi quyết định đưa ra ý tưởng nhằm khuyến khích các đơn vị chuyên môn phối hợp phát triển, phản biện, nhằm tìm ra một giải pháp tốt nhất đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ tuyến đầu đặc biệt là trong các tình huống cấp thiết” – TS Tùng cho biết thêm.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Cải tiến bộ đồ bảo hộ y tế để người mặc tiện uống nước và thao tác cá nhân tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].