Không biết bao nhiêu lần, mình gọi điện về cho mẹ trong lúc đột ngột bị nhớ bố mẹ và nhớ nhà lắm, mình ước mình nói được mình thương mẹ và yêu mẹ đến thế nào.
Nhưng 100% các cuộc chuyện trò đã bị chuyển hướng sang những câu hỏi lăng nhăng (Kiểu như: Bố mẹ ổn không? Bố mẹ ăn cơm chưa? Nhà vừa rồi có bị mưa nhiều (hay nóng, rét gì đó - tuỳ theo thời tiết)? Thế các cụ có cãi nhau hồi này không? Vườn mẹ bữa nay trồng cây gì?…).
Mình sau đó thường thấy sự tồi tệ của trạng thái yêu thương bị câm nín ấy, sự không thể cất lời về một tình cảm thiêng liêng nhất trong lòng.
Hôm qua nghe câu chuyện về những người mẹ đặc biệt khiến mình nhiều lần mắt tự dưng bị cay xè.
Mẹ Thảo có con trai bị câm điếc từ 2 tuổi sau một trận ốm thập tử nhất sinh, một mình bươn chải để nuôi và chữa bệnh cho con. Với một đứa con đến bị đói cũng không có khả năng xin ăn, bị đau không thể nói, người mẹ bé nhỏ ấy đã can trường chống lại thử thách của số phận.
Bà ngồi học cùng con để thông thạo thứ ngôn ngữ duy nhất kết nối được con mình với đồng loại, đồng hành để cậu bé câm điếc của bà không bị bỏ lại bởi sự kỳ thị và bất hạnh - cậu đã học Mỹ thuật TP HCM, hiện là giảng viên Đại học.
Mình chứng kiến Khiêm - người con trai, nói bằng ngôn ngữ ký hiệu là anh thương mẹ và yêu mẹ vô cùng, thì mẹ Thảo đã oà khóc vì lâu lắm rồi bà mới được “nghe” con bày tỏ yêu thương.
Rồi chuyện một cậu bé quấn mẹ đến mức đi ngủ buộc áo mình vào áo mẹ để được yên tâm là nếu mẹ dậy mình sẽ biết. Giờ khi đã là người đàn ông 50 tuổi, mỗi lần anh trở về bên mẹ, bà cụ 87 tuổi vẫn xoa lưng và dỗ con ngủ, nắn tay nắn chân như khi anh còn bé.
“Mẹ chẳng cần gì, chỉ cần con về”, “mẹ chẳng cần gì, chỉ cần con hạnh phúc” - đó là “báo đáp” mà người mẹ ấy mong chờ. Và người đàn ông ấy mỗi khi về bên mẹ, anh lại được trở về cậu bé con ngày xưa buộc áo vào mẹ...
Đôi khi ngôn ngữ rất bế tắc. Đôi khi ngôn ngữ không thể đựng hết. Và chúng ta bị tội nghiệp trong sự bất lực của lời.
Nhưng Mẹ có nghe thấy tình yêu của chúng ta trong IM LẶNG không? Mình tin là có chứ! Chắc chắn có!
Mẹ cũng không nói yêu mình, mẹ hay mắng mình, hay cằn nhằn và chê trách. Nhưng có một tình yêu nào đó vĩnh cửu suốt cuộc đời mình, không đòi đền đáp lại, chỉ cặm cụi cho đi vô điều kiện, tha thứ mở cơ hội trở về bất kỳ khi nào, bất chấp và bỏ qua mọi thói xấu và tổn thương mình đã gây ra, tình yêu không bao giờ quay lưng hay thay khác... Thì DUY NHẤT là tình yêu của mẹ.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Hương
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Tình yêu của mẹ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].