Có hàng chục thậm chí hàng trăm tiêu chí, tiêu chuẩn, thang hạng đánh giá thế nào là một ngôi trường tốt. Nhưng với tôi, một ngôi trường tốt sẽ được đo bằng sự trưởng thành của con mình khi chúng học ở ngôi trường đó.
Kiến thức cũng tạo nên sự trưởng thành nhưng nếu kiến thức chỉ phục vụ điểm số hay bằng khen thì thôi đi. Tôi, những phụ huynh như tôi không cần những danh hiệu. Tôi hoàn toàn có thể thay nhà trường tự tuyên danh hiệu cho con mình.
Điểm số có thể mua được bằng nhiều cách. Thứ kiến thức phục vụ điểm số mai này ra trường chẳng dùng được, bị lãng quên và chỉ tạo ra những ảo tưởng về bản thân. Kiểu “em bằng giỏi lương phải cao hơn kẻ bằng trung bình chứ” mà không biết kẻ có bằng trung bình làm việc hiệu quả gấp chục lần kẻ có bằng giỏi. Bảng điểm không tỉ lệ thuận với bảng lương.
Tôi nghĩ sự trưởng thành của các con phải được xây dựng, phát triển bằng trải nghiệm. Một ngôi trường tốt phải tạo ra một môi trường giúp trẻ có nhiều trải nghiệm. Chỉ khi được trải nghiệm, trẻ mới có trưởng thành.
Tôi nghĩ sự trưởng thành của các con phải được tiếp nạp bằng trách nhiệm mà các con học được. Một ngôi trường tốt là ngôi trường dạy và truyền được cho trẻ trách nhiệm, về sự có trách nhiệm.
Tinh thần trách nhiệm với trẻ phải được bắt đầu từ trách nhiệm với việc học của chúng. Chứ không phải trách nhiệm của cha mẹ, học vì cha mẹ. Cha mẹ chỉ là người đôn đốc, hỗ trợ và giám sát chứ không phải la hét, ép buộc, vật vã với việc học của con. Đặc biệt là đặt thành tích học tập của con thành thước đo mặt mũi cha mẹ. Thật tệ nếu như cha mẹ xấu hổ vì thành tích học tập của con mình.
Thế nên, ngôi trường tốt phải là ngôi trường dạy con trách nhiệm và phải dạy được con bạn việc biết tự trách nhiệm trong việc học của chúng chứ không phải lôi cha mẹ học sinh lên trao đổi vì con họ học kém ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường.
Một ngôi trường tốt còn là một môi trường học đường an toàn. Thầy cô chiến đấu, là CHIẾN ĐẤU với bất cứ điều gì gây ảnh hưởng tiêu cực hoặc đe doạ, nguy cơ mất an toàn cho học sinh của mình. Giữ an toàn cho học sinh là nhiệm vụ của thầy cô, của ngôi trường tử tế. Mà muốn thế, thầy cô phải có tâm, có tình.
Sự trưởng thành của lũ trẻ là thước đo và cũng là sự trưởng thành, trở nên tốt hơn của mỗi ngôi trường.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Thế nào là một ngôi trường tốt? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].