Với nhiều người thất bại xung quanh tôi, tôi ít khi thấy số phận in dấu ấn lên họ. Mà chỉ có chữ LƯỜI suốt chặng đường họ hiện diện trong cuộc sống.
Lười lao động. Lười suy nghĩ. Hoặc suy nghĩ của họ dùng cho việc loay hoay nghĩ làm sao để có tiền nhanh mà không phải làm việc nhiều.
Rất nhiều người lười thông minh, thậm chí từ bé do thông minh nên họ không cần lao lực học hành như những người bình thường mà vẫn có kết quả tốt nhờ đối phó tốt. Các việc khác cũng vậy, họ chờ đến sát nút mới giải quyết mà vẫn ok nên càng ngày họ càng lười và chủ quan.
Cũng nhiều người do bố mẹ quá nuông chiều bao bọc, làm mọi việc thay con, nhất là thế hệ 8x, 9x khi bố mẹ vừa thoát ra khỏi cảnh nghèo, liền bù đắp cho con những gì tuổi thơ mình không có.
Nhiều người lười, thậm chí còn đẹp trai xinh gái nữa cơ. Bởi vì từ bé họ đã được yêu quý, nuông chiều, xuê xoa thiên vị hơn những đứa trẻ xấu.
Khi trưởng thành với tính cách ấy, họ luôn nghĩ mình được hưởng đặc ân của cuộc sống hơn người khác. Do nhanh nhẹn hoặc do ngoại hình, họ có thể còn kiếm được những khoản tiền bất chợt, may mắn, dễ dàng.
Từ đó, họ luôn nghĩ tới hào quang của khoảnh khắc ấy, và luôn nghĩ mọi chuyện sẽ mãi mãi như vậy. Họ không chấp nhận đi lại từ đầu, không chấp nhận làm những công việc bình thường lĩnh lương hàng tháng, hoặc cày cuốc đặt nền móng cho những thành công vững chắc.
Cho tới khi họ nhận ra cuộc sống chả giống cuộc đời, may mắn không lặp lại, thì đã muộn quá rồi. Họ đã bị bệnh lười hãm hại!
Mình biết nhiều người như vậy. Mở ra công ty nhờ có quan hệ lấy được vài cái hợp đồng, lo ăn lo chơi, nhân viên bát nháo, chủ thì mải yêu đương gái gú, mải tiếp khách, nhậu nhẹt mong kiếm được những hợp đồng tiếp theo, nhưng làm như mèo mửa vô trách nhiệm thì làm sao có tiếp? Sau này đi đâu cũng 1 kịch bản trước anh hoàng kim abc, giờ thị trường khó khăn anh xyz... thực tế, chỉ 1 chữ: Lười.
Có những người làm gì cũng thất bại, mà vẫn ham làm chủ, liên tục vẽ dự án, dự án nào cũng như kinh thiên động địa đến nơi, nói thì nhiều làm thì ít, rồi cuối cùng cái gì cũng có lý do để đổ tại, làm như cả thế giới chỉ chờ mình vùng lên là dập xuống. Cả đời thất bại tiêu tiền người thân vào "khởi nghiệp", mãi mãi "khởi nghiệp". Thực tế chỉ 1 chữ: Lười.
Có những người vay mượn nợ nần đầm đìa không trả nổi. Bởi vì tiêu nhiều hơn kiếm ra. Mà đã không kiếm ra tiền thì sẽ không bao giờ có trình độ tiêu tiền, vay càng dễ, tiêu tiền càng ngu, đầu tư cái gì cũng mong ăn xổi. Tệ nhất sẽ tới lúc nói dối hoặc lừa đảo để có tiền, đủ cách. Thực tế chỉ 1 chữ: Lười
Có những người cờ bạc, quay cuồng trong vòng xoáy thắng thua, cả tuổi thanh xuân chỉ có xoay tiền chơi cờ bạc và trả nợ cờ bạc. Hứa thật nhiều thất hứa rồi cũng thật nhiều. Thực tế chỉ 1 chữ: Lười.
Chữ Lười còn ám nhiều người lắm, trộm cắp, cướp giật, quay quắt, phò phạch, chạy điểm, chạy trường... chung quy lại cũng chỉ 1 chữ: Lười.
Có nhiều người lạ lắm, cùng 1 công nhấc tay nhấc chân, họ bị ảo tưởng cái nhấc tay nhấc chân của họ phải trị giá hơn người khác, nếu không nhìn thấy nhiều tiền là thà nằm im chém gió chứ không bõ công nhấc mệt người.
Một số người khác hơi nhạy cảm mình rón rén nói khẽ: Ly dị chồng, hoặc chia tay người yêu là thấy bầu trời sụp đổ, hoang mang style, khốn khổ đủ đường. Thôi thì phụ nữ khổ chúng ta cũng nên chia sẻ, nhưng mà nghĩ: nếu từ trước các cô chịu suy nghĩ về tương lai, rằng không ai biết trước cái gì xảy ra, lo học hành, làm việc, có sự nghiệp riêng, thu nhập chắc chắn, chịu khó giao lưu, có nhiều bạn bè, có sở thích, có niềm vui riêng, có quỹ dự phòng cho con cái... thì đâu tới nỗi.
Cái này không phải lý thuyết, cùng là ly dị, chúng ta thấy rõ những người đàn bà tự chủ kinh tế và có quan hệ xã hội nó khác với những người còn lại thế nào. Không trách hay ghét, vẫn thương, nhưng chỉ mong họ nhận ra và bắt đầu lại từ đầu, mạnh mẽ sống.
Những người chăm chỉ dù ở thời điểm nào đó họ thất bại, thì sự chăm chỉ nhiều năm trong quá trình học và làm đã đủ tích cóp cho họ những kỹ năng sinh tồn tuyệt vời.
Chính bản thân họ đã là những tài sản lớn, là thương hiệu cá nhân để những người xung quanh sẵn lòng tin tưởng, giúp đỡ, giới thiệu công việc, giao việc.... Kể cả không lập tức làm lại rực rỡ ngay được, họ cũng vững vàng sống và chấp nhận cày từ đầu để tiếp tục tạo dựng cho tương lai.
Có thể đọc tới đây nhiều bạn sẽ nghĩ tới 1 vài trường hợp được nhờ bố mẹ, nhờ chồng tốt nên không cần làm việc nhiều vẫn sống hạnh phúc sung sướng.
Chúc mừng họ, mình cũng biết mấy người, nhưng mình vẫn thấy họ chăm theo hình thức khác: Chăm làm đẹp, chăm làm vợ, chăm làm mẹ, chăm làm nũng, chăm chỉ trong việc đáng yêu.
Và kết luận: Không phải ai lười cũng khổ, nhưng phần lớn những người khổ là do lười!
Xinh Trương AnBạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sự liên quan giữa Bệnh Lười và Thất bại tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].