Ở nhà có chiếc xe Wave Thái của mẹ tôi do chị gái mua “đền” cho bà gần 20 năm trước, xe cũ của mẹ đã bị tôi gá bạc. Mẹ phải đi làm bằng xe ôm một thời gian dài.
Bây giờ mẹ già, xe bỏ không ngoài sân nhiều năm, họ hàng dưới quê lên Hà Nội học, đi làm ai cũng hỏi xin, mẹ lần nào cũng bảo mang cho cháu dưới quê tôi đều không đồng tình thay vào đó là cho tiền mua xe khác.
Bởi đó là một chứng cứ quan trọng về sự ăn năn sau này của tôi đối với mẹ.
Quãng thời gian hư hỏng, bỏ nhà lang bạt, những lúc vấp ngã, chủ nợ “ốp” về tận cơ quan mẹ đòi tiền. Ngồi trước mẹ, tần ngần, mẹ hỏi vay người cùng cơ quan bảo Con mang trả tiền cho bạn rồi về nhà với mẹ.
Khi ấy tôi ngước lên, gặp ánh mắt cũ.
Năm 1984, tôi ốm nặng, anh họ đi lao động ở Rumani gửi thuốc về, có những loại thừa mẹ mang bán rẻ lại cho người cần, công an bắt, tội “buôn thuốc Tây”. Họ dẫn bà về nhà trong cơn mưa, căn phòng chật chội, mưa dột nhỏ lốp bốt lên chiếc thau nhựa, con ốm nằm ngước mắt nhìn những người xa lạ, sợ hãi và ngơ ngác.
Có lẽ những gì họ thấy cám cảnh quá nên bỏ qua, thời tất cả đều nghèo khó như nhau, con người ta hình như dễ động lòng trắc ẩn hơn.
Tôi nhớ như in ánh mắt của mẹ nhìn tôi khi bước vào nhà tối hôm ấy.
Sau này đi làm báo, tôi đã nhìn thấy nhiều ánh mắt của những người phụ nữ đau khổ, trong căng-tin tiếp tế trại giam, trong bệnh viện, trong đêm tối…
Rất nhiều ánh mắt vô hồn, vô ảnh, người đối diện soi vào mà không thấy gì, không đủ sức lưu lại hay phản chiếu. Không biết số phận, hay những người chồng, đứa con, người thân của họ đã làm những gì để cho nó khô kiệt trong ánh mắt.
Hôm nay mẹ tôi về mộ bố, do có việc đột xuất cần tiền mặt nên điện thoại về quê hỏi vay tiền bà. Mở ngăn tủ của mẹ, thế giới một người già chắt bóp, trước mặt là cái ví bằng nhựa 30 năm trước đã rách nát, những quyển sổ y bạ của tôi trong mấy chục năm, những thứ quí giá thời bao cấp… xếp gọn gàng ngay ngắn.
Thấy xót xa.
Ai cũng chừa lại một khoảng lùi để tự tha thứ cho những sai lầm của mình, có lẽ đối với cha mẹ điều đó thật không cần thiết.
Trí Minh Hoàng
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sự bao dung của Mẹ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].