Cuộc đời ngắn mà dài, chật chội mà lại vô cùng rộng. Ngắn với những phù phiếm mà ta đeo đuổi. Dài với những điều ta chắt chiu ta. Chật chội với những đua tranh. Rộng dài với con đường trước mắt của riêng mình.
Tôi nghĩ vậy. Nên tôi đã sống như vậy. Tôi sống hôm nay để có ngày mai tốt hơn nữa. Chứ tôi không sống như ngày mai không đến.
Là chắt chiu từng chút một. Là gieo trồng. Là nuôi lớn. Là cho hoa nở ngày mai, cho trái ngọt sau này. Nhưng không để đến mai những gì có thể làm hôm nay bởi ngày mai ta còn xiết bao điều cần làm nữa. Ngày mai, tôi sẽ phải tốt hơn hôm nay là vậy!
Tôi học được triết lý này từ vợ mình- cái người phụ nữ lúc nào cũng hừng hực lửa. Nàng luôn sống trước tôi đến cả vạn năm ánh sáng. Nàng đang sống ở năm 2022, 2023 chứ không phải sống năm 2020 và càng không phải như nhiều người đến giờ này vẫn luẩn quẩn ở năm 2014, 2013 hay Một Ngàn Chín Trăm Hồi Đó...
Là nàng không cho mình lặp lại chính mình của hôm qua. Nàng sống bằng 200% số thời gian mọi người sống. Mà vẫn không bỏ lỡ một ngày nào được sống. Hôm nay sống trọn 100% và sống thêm 100% cho ngày mai.
Có một sự thật rất buồn của cuộc đời này. Như vài người bạn tôi chơi cùng chục năm trước. Giờ gặp lại, họ vẫn nhìn tôi như thể chục năm rồi tôi vẫn ngồi yên chỗ này vậy.
Họ vẫn tếu táo đùa tôi những lời xưa cũ. Mà quên rằng chục năm qua tôi đã không còn là anh chàng xưa nữa. Hay như cả những người đã từng phạm lỗi, người ta vẫn nhìn anh ta bằng ánh mắt ngờ vực, đề phòng. Cuộc đời vốn chẳng có nhiều sự bao dung là vậy. Thậm chí với nhiều người còn không bao dung nổi với chính họ. Huống chi...
Nhưng như tôi, rất nhiều người cũng vậy. Luôn sống tốt hơn hôm qua. Luôn nỗ lực để mình tốt hơn hôm qua. Chỉ là có nhiều người không nghĩ vậy.
Chỉ là có nhiều người sống ở năm 2020 nhưng mắt vẫn nhìn người khác ở năm 2019 vậy! Còn bạn, bạn có thấy mình tốt hơn chính mình của hôm qua không?
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Sống cho ngày hôm qua hay hôm nay? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].