Kì nghỉ hè của bọn trẻ lại đến, và năm nào, cứ đến dịp này, mình lại nghe một số bậc cha mẹ trẻ than vãn, kiểu “bọn trẻ nghỉ học rồi, làm thế nào trông chúng bây giờ nhỉ, làm sao để chúng khỏi hư, khỏi nghịch” hoặc “bận quá, làm thế nào để trông trẻ được nhỉ”.
Đúng là nhiều bố mẹ trẻ bận, phải đi làm, nhiều người rất nhiều việc trên các nẻo đường kiếm sống, nhưng thiết nghĩ, nếu không thu xếp được việc dạy trẻ, trông trẻ hoặc chơi với trẻ, không chỉ là mùa hè, thì đẻ con ra để làm gì?
Và khi đẻ con ra, liệu mọi người đã nghĩ đến việc sẽ làm thế nào để chia sẻ thời gian cho công việc, cho cuộc sống riêng và cuộc sống với bọn trẻ chưa? Nếu đã nghĩ đến rồi, thì tốt nhất đừng than vãn nữa, bởi nó chỉ khiến ta thêm stress.
Năm nay, vì đại dịch, nên bọn trẻ ở nhà nhiều, những mấy tháng. Thế rồi, chúng đi học trở lại, và vì thế, năm học cũng kết thúc muộn hơn, tận tháng Bảy. Chính vì thế mà kì nghỉ hè thực sự của bọn trẻ rất ngắn, không phải 3 tháng như mọi khi.
Thế nên, việc người ta chỉ thị không học trước ngày khai giảng 5/9 như mọi năm mà chỉ học sau khi khai giảng là quá đúng. Bọn trẻ cần có những ngày nghỉ hè đúng nghĩa. Bọn trẻ cần một ngày trở lại trường theo đúng nghĩa, khi ngày khai giảng là ngày đầu tiên đi học của năm học mới.
Không biết các trường lại lên kế hoạch tập khai giảng như mọi năm không, để rồi biến ngày ấy thành một buổi lễ đầy tính hình thức. Cũng không biết năm sau, ngày khai giảng có phải là ngày đầu tiên trở lại trường, ngày đầu tiên đi học theo đúng nghĩa của nó giống năm nay hay không, hay chỉ vì năm nay có đại dịch mà người ta buộc phải làm như thế.
Nhưng rất rất rất mong bọn trẻ có những ngày nghỉ hè thực sự vui sướng và được vận động. Và không phải nghe các bậc cha mẹ than thở về việc trẻ con nghỉ dài thì không biết phải làm gì với chúng cả.
Nếu không biết làm gì với chúng, thì tốt nhất đừng làm ra chúng nữa…
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Hãy cho trẻ nghỉ hè, đừng bắt con suy nghĩ như bố mẹ tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].