Vượt trên con số đó bạn không thêm được chút nào hạnh phúc nữa. Và dưới mức đó, đương nhiên, hạnh phúc của bạn cũng bị giảm sút.
Đây là con số “đo” ở Mỹ, nơi mà chi tiêu đầu người cao hơn Việt Nam. Nhưng thế nào đi nữa thì tiền bạc vẫn “can thiệp” đến việc chúng ta có thể hạnh phúc đến đâu. Và luôn có mức trần cho hạnh phúc chứ không phải cứ kiếm càng nhiều tiền là càng hạnh phúc đâu.
Nói về hạnh phúc, mỗi người đều có quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Không thể đem hạnh phúc của người này sang áp đặt cho hạnh phúc của người khác và ngược lại, không thể thấy người ta không như mình mà nghĩ người ta không hạnh phúc.
Sẽ thật tệ nếu như chúng ta cho rằng phải thế này hay thế kia thì “cặp vợ chồng ấy mới hạnh phúc” còn không như thế có nghĩa là họ… diễn thôi.
Có nhiều người không tìm thấy hạnh phúc là bởi lúc nào họ cũng đề phòng bất hạnh, nhìn đâu cũng thấy nguy cơ, tiêu cực. Dần dần, hạnh phúc của họ lại là việc họ đoán đúng, đoán trúng điều khiến họ… bất hạnh.
Lại có những người không cảm nhận được hạnh phúc là vì họ không tin hạnh phúc là có thật hoặc họ cứ mơ một hạnh phúc lớn hơn thứ họ đang có. Như kiếm 75.000 USD/năm nhưng vẫn nghĩ rằng mình phải kiếm được 75.100 USD/năm mình mới thoả mãn.
Lũ trẻ con, những đứa con của chúng ta, cũng không được cha mẹ dạy về hạnh phúc. Hoặc cha mẹ chỉ đưa ra cho con những mệnh lệnh nhiều hơn là những chia sẻ, những đòi hỏi nhiều hơn là cùng con, những áp đặt nhiều hơn là lắng nghe, tiếp nhận.
Cha mẹ hình thành những thang giá trị hạnh phúc lệch lạc. Như con ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ vui, con được điểm 10, bằng khen, bố mẹ tự hào, con giỏi hơn bạn khác, bố mẹ thích thú.
Đứa trẻ sẽ nghĩ rằng hạnh phúc là tuân lệnh cha mẹ, học giỏi, hơn bạn hơn bè. Chúng đo đếm hạnh phúc bằng sự co giãn của mặt bố mẹ chứ không phải bằng cảm nhận riêng chúng.
Trong hôn nhân cũng vậy. Một cuộc hôn nhân có hạnh phúc không vốn chỉ là chuyện của riêng 2 người họ có thoả mãn với nhau và với cuộc sống hôn nhân của họ không chứ không phải đo đếm bằng sự ngưỡng mộ của những người xung quanh.
Hạnh phúc có thể muốn khoe (cũng như bất hạnh cũng có nhiều người muốn bày tỏ) điều đó chỉ là xấu với những kẻ gato hay những người không tin vào hạnh phúc.
Khoe hạnh phúc là cách lây lan hạnh phúc, nó khiến cuộc sống của chính bạn trở nên tươi tắn, tích cực. Có nhiều người hạnh phúc chỉ ở tầm 5/10 nhưng vì hân hoan với nó mà nó thành tầm 7, tầm 8, tầm 9 thậm chí tầm 10/10. Nó giống như hiệu ứng “lời tiên tri tự hoàn thành” vậy, cứ nói mãi thành tin, thành thật.
Cha mẹ hạnh phúc thì con cái hạnh phúc, bố mẹ hai bên cũng hạnh phúc, bạn bè xung quanh cũng hạnh phúc. Sức mạnh của hạnh phúc là ở lan toả là thế.
Và cuối cùng, hạnh phúc đáng giá bao nhiêu tiền?
Tôi nghĩ, nó bằng đúng thu nhập chúng ta có và chúng ta sẽ sống thật vui với số tiền đó thay vì tiêu với số tiền lớn hơn hay luôn sống trong áp lực tiền bạc.
Tất nhiên, nếu bạn cho rằng thu nhập của bạn quá tệ, hãy xem lại nhu cầu của mình, bạn có đang sống kiễng chân không?
Nhớ chưa, ngưỡng của hạnh phúc là 75.000 USD/năm, nhiều hơn bạn cũng sẽ không hạnh phúc hơn đâu! Cố nhiều hơn thì tốt cho nhu cầu hưởng thụ mà thôi, còn để hạnh phúc thì thế là đã đủ rồi!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Để hạnh phúc, bạn cần có bao nhiêu tiền? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].