Cafe sáng: Con trai

Có chị bạn bảo tôi, các ông con trai coi cha mẹ như nghệ sĩ, chỉ biết tiếc thương khi họ đã mất đi. Hình như đúng.

Có một bác trai lớn tuổi là nhà khoa học thời xưa, thỉnh thoảng tôi tìm đến gặp phỏng vấn. Lần đầu gặp bác sống với anh con cả, lần thứ 2 thì ở chị con gái út, lần thứ 3 và thứ 4 thì ở trong nhà dưỡng lão cho đến khi mất.

Nhà dưỡng lão tư nhân dưới Cầu Giấy là nhà ống, cao 6 tầng, các cụ sống chung rải rác trong các phòng nhỏ có máy lạnh, mỗi cụ một giường cá nhân nhỏ.

Cửa sắt ra vào có 2 anh bảo vệ đang đun đẩy một cụ bà muốn đòi về nhà. Bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, con cái đã đưa cha mẹ tới nơi xa lạ này.

Khi gặp năm ấy, bác đã ngoài 80 nhưng tuyệt đối minh mẫn, uyên bác và trò chuyện mạch lạc. Cả 2 lần gặp đều là con gái bác dẫn vào, bố con nắm tay nhau, hỏi thăm thì ít mà khóc thì nhiều.

Xung quanh các cụ khác đã lẫn, ánh mắt chậm chạp không cảm xúc, vài cụ ngồi độc thoại hoặc nói đứt quãng trì triết con cái vắng mặt ngày cuối tuần.

Nhà khoa học lớn tuổi đã từng sống trong ngôi nhà của mình cùng người con cả, cô con dâu sau này bắt đầu xuất hiện lời lẽ xúc xiểm việc chia tài sản. Anh con trai không ý kiến. Lòng tự trọng khiến ông buồn nhiều năm rồi chuyển đến với cô con gái út, nhà chật sống lẫn với với các cháu và cả gia đình thông gia nhiều bất tiện.

Cafe sáng: Con trai 0

Cuối cùng, nhà dưỡng lão là sự lựa chọn tốt nhất cho ông. Ông nói vậy.

Tôi có nhận ra rằng, đa số con gái hình như đều biết thương yêu cha hơn con trai trong gia đình.

Con trai đến tuổi dở ương thường phải tỷ thí với đời, chia sẻ mối quan tâm lẫn tình cảm cho quá đông người xa lạ. Hời hợt và liên tục đòi hỏi quá nhiều từ gia đình. Cho đến khi cứng cáp lại cũng dễ dãi tặc lưỡi việc à cha mẹ đã già, có người chăm là được, nhắm mắt, nó trôi qua rất nhanh và mọi thứ hình như đều ổn.

Tôi nằm trong số đó. Và cho đến giờ vẫn ân hận rất nhiều, càng nhớ lại càng thấy mình hình như chỉ nhỉnh hơn mỗi ông anh cả trong đầu câu chuyện chút đỉnh.

Ngày bố tôi ốm, nhiều người đến thăm hỏi. Chị gái cũng không phàn nàn gì chuyện chăm sóc ra sao, chỉ nói một ý rằng, ông nằm liệt giường ngần ấy năm mà trộm vía trên người không một vết loét nào.

Không một vết nào đó là tổng hợp nhiều sự cố gắng đêm hôm, tắm rửa, massage, thay bỉm đúng giờ… sau này muộn màng tôi mới biết.

Người già không cần gì nhiều, ăn được bao nhiêu, sữa một hộp to uống lay lắt cả tháng.

Họ có sợ sự cô đơn hay biết cảm động khi lờ mờ cảm thấy bàn tay con cái sờ lên trán khi đang ngủ hoặc câu hỏi thăm ngắn gọn mỗi ban sáng, chắc tốt là hơn?

Có chị bạn bảo tôi, các ông con trai coi cha mẹ như nghệ sĩ, chỉ biết tiếc thương khi họ đã mất đi.

Hình như đúng.

Hoàng Minh Trí 

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính