Rồi những lần tôi tham gia các talkshow về hôn nhân gia đình hay chăm sóc con cái- dạy con, thì bên dưới, người nghe toàn là các mẹ.
Hay gần nhất, nếu bạn vào Facebook của tôi, có đến 80-85% những comment đều là từ các mẹ dù bài viết của tôi nhắm đến việc thức tỉnh các ông bố. Vì sao vậy? Liệu có phải vì nơi của các ông bố là ở các quán nhậu, bia hơi hay những chủ đề mang tính chính trị xã hội lớn lao?
Hẳn nhiều người đi qua các quán bia hơi lúc cuối ngày đều sẽ thấy 95% hoặc có khi là 100% đàn ông ngồi la liệt trong đó. Ở cái giờ mà lẽ ra gia đình quây quần bên mâm cơm chiều với nhau rồi.
Hẳn nhiều người vô cùng bức xúc khi sách báo dạy cách gìn giữ hôn nhân hay chăm sóc gia đình đều nhắm vào đối tượng là bạn đọc nữ. Hôn nhân- gia đình hạnh phúc hay không là ở phụ nữ?
Hẳn nhiều người, thậm chí phẫn nộ với những quảng cáo lúc nào cũng là phụ nữ giặt giũ, phụ nữ nội trợ, phụ nữ chăm con, phụ nữ… blah blah… Cứ như thể đàn ông chỉ dành cho bia bọt tiệc tùng vậy.
Rồi là đến cả câu ví von: “Con gái là người tình kiếp trước của cha” cũng bị coi là thứ câu nói ghê tởm, rùng mình khi bị dẫn chứng ra những vụ cha ruột lẫn cha dượng hiếp dâm con đẻ, con vợ.
Mẹ có thể ôm ấp hôn hít con trai nhưng bố mà làm vậy với con gái sẽ bị coi là kinh. Đặc biệt với cơn sợ hãi ám ảnh về xâm hại tình dục khiến nhiều ông bố cũng bị tước quyền được ôm ấp con gái.
Có vẻ như đàn ông thật tệ. Chính xác là đàn ông Việt quá ư là tệ hại. Chẳng thế mà có đợt người ta rộ lên cuộc tranh luận chồng Tây- chồng Việt. Thậm chí vài đàn ông nhảy vào tranh luận thì bị coi là… đàn bà.
Nhưng. Nhưng đâu đó tôi lại thấy một sự thật khác: Tôi thấy những đứa trẻ trai sinh ra đã được coi là quý tử, là thiếu gia, là thái tử. Cho dẫu đứa trẻ trai đó có chị gái hoặc em gái thì đứa trẻ trai vẫn thu hút sự chú ý hơn.
Tôi thấy những người mẹ tự hào vì mình đẻ con trai. Thậm chí gọi con trai mình là “người yêu bé nhỏ”. Thậm chí, có phần ấu trĩ hơn, thở phào nhẹ nhõm vì mình có con trai trước những câu chuyện trẻ gái bị xâm hại tình dục.
Tôi thấy những người mẹ quần quật nấu nướng, xua chồng ra chỗ khác vì chồng toàn làm hỏng việc. Trong các cuộc liên hoan khoe ảnh trên Facebook thì toàn thấy mông các chị em bên bồn rửa bát. Các anh xỉa răng chém gió hoặc chụp choẹt up hình lên Facebook.
Tôi cũng lại thấy nhiều chị em gạt phăng chồng ra khỏi các cuộc tranh cãi nảy lửa về giáo dục, về cô này dạy dở, cô kia đối xử với con mình bất công.
Và tôi cũng lại thấy, là bị thì đúng hơn, những mẹ chồng vào Facebook tôi lên án việc tôi cổ suý chị em tự giải phóng mình nếu không thấy hạnh phúc. Rằng tôi dạy hư phụ nữ.
Tôi không biết mình đang sai ở đâu nữa khi lên án tật xấu của đàn ông là phụ nữ mà bảo vệ những tật xấu của đàn ông cũng lại là phụ nữ. Dường như cuộc chiến bình đẳng giới là cuộc chiến giữa những người phụ nữ với nhau vậy.
Phải thế không mà các quán bia đông nghẹt đàn ông la liệt? Vì về nhà vợ chưa nấu cơm xong. Loạng quạng nó lại mắng cho một trận vì làm nó vướng tay vướng chân hoặc nó thấy mình ngồi không sẽ lại cằn nhằn.
Phải thế không mà sách báo chỉ dạy chị em bảo vệ- gìn giữ gia đình? Vì phụ nữ luôn là người dễ cảm thấy thất vọng nhất với hôn nhân của mình. Một cái hắt xì hơi không đúng chỗ của chồng cũng thành cơn địa chấn sai thời điểm.
Phải thế không mà quảng cáo chỉ nhắm vào chị em? Vì phụ nữ phần đông là tay hòm chìa khoá. Họ quyết định việc chi tiêu của gia đình. Không quảng cáo nhắm vào họ thì làm sao móc túi được họ? Đàn ông vốn chẳng tin vào quảng cáo.
Và, nếu con gái không phải là người tình kiếp trước của cha thì thôi vậy. Chỉ xin các bà, các mẹ, các chị đừng cướp, đừng gạt phăng đi những ông bố của lũ con mình. Như lời kêu gọi của MC Phan Anh trong buổi làm khách mời ra mắt sách “30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại” của tôi: Xin các mẹ, các bà hãy giúp đàn ông chúng tôi, những người cha, có thêm nhiều thời gian với con mình.
Là để không chỉ đề nghị bố chúng nó cố định thời gian để chăm con thay mẹ. Là để có khi phải bắt buộc bố chúng nó phải trông con đi. Đừng sợ bố chúng nó trông con không ra gì vì bố chúng nó cũng là bố, cũng biết xót con chứ không phải “mẹ mìn” đâu.
Là để phân công việc nhà rõ ràng thay vì cái gì cũng vơ vào tất. Thôi không bất bình với thế giới này nữa, đừng hậm hực nếu như bố chúng nó mải mê uống bia ngoài kia mà không về trông con để mình đi shopping. Là các chị, các mẹ cho phép bố chúng nó được rảnh tay rảnh chân đó thôi.
Còn nếu đã đề nghị, đã bắt buộc, đã phân công mà bố chúng nó không làm thì có lẽ cần phải thay cho con một ông bố khác. Tại sao không?
Tôi có một kết quả nghiên cứu thế này, từ chính bản thân mình với những ông bố khác xung quanh. Rằng nhiều ông bố cũng “tàu ngầm” ra phết với những gì vợ mình đọc, like, share. Tin tôi đi! Họ biết hết. Chỉ có điều họ sẽ không làm nếu như chưa bị bắt làm, chưa nhìn thấy nguy cơ của việc “nếu không làm”. Tin tôi đi!
Muốn chồng ngoan vợ phải hư một chút, lười một chút, thậm chí, liều một chút. Như đừng chồng gọi vợ dạ. Như đừng chồng em luôn đúng. Như bớt một tranh cãi cửa nhà êm ấm. Như chồng không làm thì để em làm. Như chồng làm gì cũng hỏng nên không nhờ nữa…
Ngày của cha, thay vì tôn vinh những người cha vĩ đại, hãy giúp chồng mình trở thành một người cha tốt. Cho bố con chúng nó có thời gian khăng khít với nhau hơn.
Vốn không có ông bố nào tốt nếu như sống cùng một bà mẹ tất: Làm tất- chịu tất- cân tất- và khổ tất. Sẽ chẳng bao giờ có một người cha nào trở thành ông bố tuyệt vời nếu như ngay cả cơ hội bé xíu thôi như làm một điều gì đó đặc biệt cho con nhân ngày của cha. Hãy làm một điều gì đó cho con trước sự cổ vũ của mẹ được không?
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Các mẹ ạ, hãy trả lại những ông bố cho con! tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].