Theo các chuyên gia, ngộ độc Botulinum thực tế rất hiếm gặp. Vi khuẩn Clostridium botulinum, còn gọi là vi khuẩn độc thịt tồn tại nhiều ở ngoài môi trường và trong nhiều loại nguyên liệu thực phẩm. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí, chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí.
Các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn này do quy trình sản xuất không đảm bảo sạch, sau khi thực phẩm được đóng gói kín như trong chai, lọ, hộp, lon, túi thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố botulinum.
Các loại thực phẩm dễ gây ra chất độc này là thịt hộp, kể cả các loại thực phẩm như: Rau, củ, quả, thịt, hải sản… khi được sản xuất nếu để lẫn bào tử vi khuẩn, đóng gói kín không đảm bảo đủ điều kiện ngăn chặn vi khuẩn phát triển theo quy định; đặc biệt là sản xuất thủ công, tại gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ, không được kiểm soát chặt về chất lượng.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, người dân cần nghĩ tới ngộ độc botulinum và đến cơ sở y tế kiểm tra khi có các biểu hiện như:
- Yếu, liệt các cơ, bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ sau đó lan xuống chân; biểu hiện nhẹ có thể chỉ mỏi, yếu các cơ giống như suy nhược; biểu hiện đối xứng hai bên và không có rối loạn cảm giác.
- Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột.
- Có các biểu như trên sau ăn thực phẩm nghi ngờ như các loại thực phẩm đóng hộp, chai, lọ, gói, túi, không có nguồn gốc rõ ràng hoặc không đảm bảo.
Cũng theo bác sĩ Nguyên, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm chứa độc tố botulinum, người dân cần chú ý:
- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường.
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm vào hộp, chai, lọ... trong thời gian kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín vì khi nấu chín sẽ có thể phá hủy độc tố botulinum nếu có trong thực phẩm.
- Với các thực phẩm đóng gói kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…), cần đảm bảo phải chua, mặn; đặc biệt khi thực phẩm hết vị chua thì không nên ăn.
Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra hướng dẫn “5 chìa khóa đối với thực phẩm an toàn” gồm: Giữ vệ sinh sạch sẽ; Thực phẩm sống và chín cần phân biệt riêng biệt; Nấu kỹ thực phẩm; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; Sử dụng nguồn nước và nguyên liệu an toàn.
Liên quan đến sự việc nhiều người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn Pate Minh Chay, Sở Y tế Hà Nội thông tin, theo danh sách khách hàng mà Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới cung cấp, có 1.857 khách hàng ở Hà Nội mua Pate Minh Chay.
Chi cục ATVSTP Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã gọi điện và liên hệ được với 1.133 khách hàng, còn 142 khách hàng chưa liên hệ được. Những khách hàng cơ quan chức năng liên hệ được đã mua 1.220 lọ, trong đó đã sử dụng (hoặc bỏ đi) 1.030 lọ Pate Minh Chay, chỉ còn lại 190 lọ Pate Minh Chay đang thu hồi.
Các sản phẩm khác (ruốc nấm heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt...) khách đã mua 235 lọ; đã sử dụng 157 sản phẩm, còn lại đang thu hồi.
An AnBạn đang xem bài viết Cách phát hiện người bị ngộ độc botulinum và biện pháp phòng tránh tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].