Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Bệnh có một số biểu hiện gần giống với sốt phát ban. Vậy sốt phát ban ở trẻ có phải là bệnh sởi không?
Trong bài viết này, Gia đình mới sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích giúp phân biệt giữa sốt phát ban và sởi để các phụ huynh tiện hơn trong việc chăm sóc cho trẻ.
Phân biệt sốt phát ban và bệnh sởi ở trẻ em - Sốt phát ban ở trẻ em và sởi khác nhau về tác nhân gây bệnh
+ Trẻ bị sốt phát ban là do cơ thể bị lây nhiễm các loại virus, trong đó nhóm virus đường hô hấp là chiếm đa số. Chúng chủ yếu là virus lành tính.
+ Tác nhân gây bệnh sởi: Sởi là bệnh dễ gặp ở trẻ nhỏ do virus thuộc giống morbillivirus họ Paramyxoviridae gây nên. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.
- Dấu hiệu nhận biết
Theo các chuyên gia, sự khác biệt rõ nhất của sởi và sốt phát ban ở trẻ em chính là giai đoạn toàn phát.
+ Sốt phát ban: Cơ thể của trẻ sẽ xuất hiện phát ban sau khi giảm sốt. Hồng ban dạng mịn, sáng và thường ít gồ lên bề mặt của da. Bên cạnh đó, ban sẽ nổi đồng loạt trên cơ thể và thường không để lại các dấu vết trên da.
+ Bệnh sởi: Các nốt phát ban của sởi thường có tiến trình rất đặc trưng, ban đầu ban sẽ xuất hiện ở tai rồi lan dần ra mặt, xuống bụng và toàn thân.
Ban sởi thường là ban gồ lên mặt da, sau khi hết ban sẽ để lại vết thâm đặc trưng cùng các triệu chứng như ho, chảy nước mũi hoặc đau mắt đỏ.
- Biến chứng của bệnh
+ Sốt phát ban thường lành tính. Nếu biết cách chăm sóc thì bệnh sẽ tự khỏi sau từ 5 - 7 ngày và không để lại biến chứng nguy hiểm.
+ Bệnh sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng. Cụ thể: Viêm tai giữa cấp, viêm phổi nặng, viêm não, viêm loét giác mạc gây mù lòa, suy dinh dưỡng...
Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt phát ban
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, các mẹ cần thực hiện đúng các bước chăm sóc trẻ bị sốt phát ban dưới đây để trẻ mau lành bệnh.
- Hạ sốt
Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt kết hợp sử dụng khăn ấm lau vùng bẹn, nách để hạ sốt để tránh các biến chứng như co giật...
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Các mẹ nên cho trẻ ăn đồ ăn dạng lỏng, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Trường hợp trẻ khó ăn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để cơ thể được bổ sung đủ dưỡng chất.
Ngoài ra, bạn cũng nên cho con uống các loại nước ép trái cây để tăng cường hàm lượng vitamin, chất khoáng thiết yếu.
- Luôn giữ cho da trẻ sạch sẽ, khô thoáng
Khi trẻ bị sốt phát ban, bạn cần tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày. Tuyệt đối không kiêng nước, kiêng gió bởi nếu trẻ không được vệ sinh sạch sẽ sẽ khiến trẻ khó chịu, da dễ nhiễm trùng và gây ra biến chứng.
Để phòng sốt phát ban ở trẻ các mẹ nên làm gì?
- Không nên cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt phát ban
- Cho trẻ tiêm phòng theo đúng khuyến nghị của bác sĩ
Phương AnhBạn đang xem bài viết Cách phân biệt sốt phát ban ở trẻ và bệnh sởi mẹ nào cũng nên nắm tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].