Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt đúng cách, an toàn và khoa học

Nhiều bà mẹ không thể cho trẻ bú trực tiếp thường xuyên được nên phải vắt sữa để dự trữ. Vậy nên việc bảo quản sữa đúng cách rất quan trọng để đảm bảo chất lượng sữa mẹ tốt nhất cho trẻ. Hãy cùng tìm hiểu về cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt an toàn và khoa học qua bài viết dưới đây nhé!

1 Làm gì để giúp sữa mẹ tươi lâu hơn?

Để giúp sữa mẹ sau khi vắt tươi lâu hơn và giữ được chất lượng sữa tốt nhất cho trẻ thì đòi hỏi các bà mẹ phải tuân thủ các kỹ thuật vắt sữa và bảo quản đã được khuyến nghị.

Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến thời gian bảo quản sữa mẹ một cách an toàn cho sức khỏe của trẻ. Trong đó có một số yếu tố quan trọng cần được kiểm soát chặt chẽ bao gồm:

  • Thể tích sữa.
  • Nhiệt độ phòng khi vắt sữa.
  • Sự dao động nhiệt độ trong tủ lạnh và tủ đông.
  • Độ sạch của môi trường.

Tuân thủ các kỹ thuật vắt sữa và bảo quản để đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất

Tuân thủ các kỹ thuật vắt sữa và bảo quản để đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất

2 Sữa mẹ để được bao lâu?

Nhiệt độ là một yếu tố quan trọng quyết định thời gian bảo quản của sữa mẹ sau khi hút. Tùy vào từng điều kiện nhiệt độ mà thời hạn sử dụng sữa mẹ khác nhau.

Lưu ý rằng những hướng dẫn dưới đây chỉ áp dụng cho trẻ đủ tháng và khỏe mạnh. Đối với trẻ sinh non, phải nằm trong phòng NICU hoặc đang bị bệnh thì cần phải trao đổi thêm với bác sĩ để có những hướng dẫn riêng.

Ở điều kiện thường

Sữa mẹ sau khi vắt ra ở trong điều kiện thường (nhiệt độ phòng) chỉ được sử dụng trong vòng 4 giờ đầu kể từ khi vắt sữa. Nếu sữa được vắt trong điều kiện sạch sẽ và nhiệt độ phòng mát mẻ thì sữa có thể giữ được tối đa 6 - 8 giờ.

Trong trường hợp trẻ bú bình sữa đã vắt ra nhưng không hết, thì thời gian sử dụng của sữa còn lại trong bình sẽ ngắn lại. Vì vi khuẩn có thể đi ngược dòng từ đầu núm bình sữa và làm hỏng sữa sớm hơn bình thường.

Vậy nên, thời gian tối đa để trẻ bú hết bình sữa kể từ khi bắt đầu bú là 2 giờ. Nếu trẻ bú quá thời gian này, các bà mẹ nên loại bỏ lượng sữa còn lại trong bình.

Khi trẻ thường xuyên bỏ dở bình sữa, bà mẹ có thể lưu ý để hút ra lượng sữa vừa phải với nhu cầu của trẻ vì có thể việc phải đổ sữa nhiều lần sẽ gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến người mẹ.

Sữa mẹ sau khi vắt sử dụng được trong 4 giờ đầu ở điều kiện thường

Sữa mẹ sau khi vắt sử dụng được trong 4 giờ đầu ở điều kiện thường

Bảo quản trong tủ lạnh

Sữa mẹ có thể được bảo quản trong tủ lạnh tối đa 8 ngày ở nhiệt độ khoảng 4 độ C hoặc lạnh hơn. Tuy nhiên, mức tối đa này thường chỉ có ý nghĩa với điều kiện vệ sinh sạch sẽ tuyệt đối.

Để có chất lượng sữa tốt nhất, các bà mẹ nên cho trẻ uống sữa bỏ tủ lạnh trong vòng 4 ngày đầu tiên. Ngoài ra, các bà mẹ lưu ý không nên để sữa ở cánh tủ lạnh vì khi đóng mở cửa thì nhiệt độ ở đây sẽ dao động và ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Trong trường hợp lượng sữa hút ra nhiều hơn so với sức uống của trẻ trong 4 ngày, bà mẹ nên trữ đông lạnh lượng sữa thừa này để sử dụng về sau. Thời gian sử dụng sữa tốt nhất khi trữ đông là trong vòng 6 tháng, tối đa 9 - 12 tháng.  

Khi sữa rã đông thì mẹ nên cho trẻ bú ngay trong 1 - 2 giờ ở nhiều độ phòng. Nếu rã đông trong tủ lạnh thì thời gian tối đa là 24 giờ. Ngoài ra, nếu bà mẹ sử dụng túi giữ nhiệt hoặc túi giữ lạnh để bảo quản sữa thì thời hạn sử dụng sữa có thể lên đến 24 giờ sau khi vắt.

Tốt nhất các bà mẹ nên cho trẻ uống sữa bỏ tủ lạnh trong vòng 4 ngày

Tốt nhất các bà mẹ nên cho trẻ uống sữa bỏ tủ lạnh trong vòng 4 ngày

3 Bảo quản sữa mẹ đã vắt như thế nào?

Một trong những điều quan trọng nhất khi quyết định vắt sữa là các bà mẹ phải biết cách bảo quản sữa đúng cách để đảm bảo chất lượng, tránh lãng phí và duy trì nguồn sữa mẹ. Dưới đây là các lưu ý để bảo quản sữa trong từng giai đoạn:

Trước khi vắt sữa mẹ

  • Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch khử trùng tay có ít nhất 60% cồn.
  • Vắt sữa bằng tay hoặc các loại máy hút sữa, nếu sử dụng máy hút sữa hãy bảo đảm từng bộ phận của máy đều được vệ sinh sạch sẽ.
  • Để đảm bảo an toàn vệ sinh khi dùng chung máy hút sữa, hãy nhớ lau sạch các bề mặt tiếp xúc như mặt đồng hồ, công tắc nguồn và mặt bàn bằng khăn lau khử trùng.

Các bà mẹ cần đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ trước khi vắt sữa

Các bà mẹ cần đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ trước khi vắt sữa

Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt sữa

  • Đựng sữa mẹ đã vắt bằng túi trữ sữa hoặc hộp đựng thực phẩm đã vệ sinh sạch sẽ và đóng kín.
  • Không sử dụng các loại túi hoặc chai nhựa có ký hiệu tái chế số 7 vì chứa BPA (Bisphenol-A) - loại chất có khả năng gây hại cho sức khỏe.
  • Chỉ được đựng sữa mẹ trong loại túi chuyên dụng để bảo quản sữa mẹ.

Các bà mẹ chỉ nên dùng túi đựng sữa chuyên dụng để bảo quản sữa mẹ

Các bà mẹ chỉ nên dùng túi đựng sữa chuyên dụng để bảo quản sữa mẹ

Điều kiện bảo quản sữa mẹ mới vắt tốt nhất

Môi trường để bảo quản sữa mẹ mới vắt tốt nhất thì cần tuân thủ các điều kiện như sạch sẽ, tránh ánh nắng mặt trời và quan trọng nhất là nhiệt độ:

  • Nhiệt độ phòng: 19 đến 26 độ C (sử dụng tốt nhất trong vòng 4 giờ).
  • Nhiệt độ tủ mát: dưới 4 độ C (sử dụng tốt nhất trong vòng 4 ngày).
  • Ngăn đông tủ lạnh: -18 đến -20 độ C (sử dụng tốt nhất trong vòng 6 tháng, có thể lên đến 12 tháng).

Ngoài ra, hướng dẫn bảo quản sữa mẹ có thể khác nhau đối với một số trẻ như sinh non hoặc đang nhập viện.

Sữa mẹ bỏ vào tủ đông được sử dụng tốt nhất trong vòng 6 tháng

Sữa mẹ bỏ vào tủ đông được sử dụng tốt nhất trong vòng 6 tháng

4 Lưu ý khi bảo quản sữa mẹ

Lưu ý khi cất trữ sữa mẹ

  • Ghi rõ thời gian vắt sữa lên túi/bình sữa trước khi trữ đông.
  • Nên trữ đông sữa mẹ ở một ngăn tủ đông riêng để bảo đảm chất lượng sữa tốt nhất.
  • Không bảo quản sữa thời gian dài trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh.
  • Hạn chế đóng - mở cửa tủ lạnh thường xuyên vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
  • Hãy trữ đông lạnh sữa ngay sau khi vắt nếu không có ý sử dụng trong vòng 4 ngày.

Bà mẹ nên ghi rõ thời gian vắt sữa lên túi/bình sữa trước khi trữ đông

Bà mẹ nên ghi rõ thời gian vắt sữa lên túi/bình sữa trước khi trữ đông

Lưu ý khi đông lạnh sữa mẹ

  • Chia lượng sữa vừa đủ cho mỗi cữ bú của trẻ rồi cho vào từng túi đựng trước khi đông lạnh.
  • Không nên đổ sữa quá đầy trong bình/túi sữa vì sữa sẽ nở ra khi đông lại.
  • Dán nhãn ngày vắt sữa và ghi tên trẻ rõ ràng khi cần đưa bình/túi sữa vào bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc trẻ. 
  • Có thể vận chuyển sữa mẹ tối đa 24 giờ trong túi đá giữ nhiệt, nếu sau đó chưa dùng đến thì có thể bảo quản trong tủ đông.

Bạn có thể vận chuyển sữa mẹ tối đa 24 giờ trong túi đá giữ nhiệt

Bạn có thể vận chuyển sữa mẹ tối đa 24 giờ trong túi đá giữ nhiệt

5 Rã đông sữa mẹ như thế nào?

Các bà mẹ cần ưu tiên rã đông túi/bình sữa cũ nhất trước để sử dụng. Một số cách rã đông có thể áp dụng như sau:

  • Để túi/bình sữa đông xuống tủ mát qua đêm và sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi sữa tan ra hoàn toàn.
  • Đặt túi/bình sữa đông trong một bát nước ấm.
  • Để túi/bình sữa đông dưới vòi nước ấm chảy.

Ngoài ra, các bà mẹ cần lưu ý một số điều khi rã đông sữa:

  • Không dùng lò vi sóng để rã đông vì có thể gây phá hủy chất dinh dưỡng trong sữa và bỏng miệng trẻ.
  • Chỉ sử dụng sữa mẹ đã rã đông và làm ấm trong vòng 2 giờ.
  • Sữa mẹ đã rã đông thì không nên đông lạnh lại lần nữa.

Rã đông sữa bằng cách để túi/bình sữa đông xuống tủ mát qua đêm

Rã đông sữa bằng cách để túi/bình sữa đông xuống tủ mát qua đêm

6 Làm ấm sữa mẹ lạnh như thế nào?

Trẻ sơ sinh không cần thiết phải uống sữa ấm, tuy nhiên có một số trẻ lại thích uống sữa ấm hơn. Sau khi sữa mẹ đã nguội, các bà mẹ có thể hâm nóng bằng cách ngâm bình/túi sữa vào trong bát nước ấm hoặc vòi nước ấm chảy trong vài phút.

Trong quá trình hâm nóng, các bà mẹ cần đảm bảo hộp sữa được đậy kín nắp và khi thấy sữa đã tách thành từng lớp thì khuấy nhẹ để hòa đều sữa.

Trước khi cho trẻ bú, bà mẹ nên kiểm tra nhiệt độ sữa lại một lần nữa bằng cách nhỏ vài giọt sữa lên cổ tay.

Hâm nóng bằng cách đặt túi/bình sữa đông trong một thau nước ấm

Hâm nóng bằng cách đặt túi/bình sữa đông trong một thau nước ấm

Xem thêm

  • Cảnh báo nguy hiểm khi nhỏ sữa mẹ trực tiếp vào mắt của trẻ sơ sinh 
  • 11 cách kích sữa cho mẹ bầu ít sữa sau sinh đơn giản, hiệu quả

Bí quyết nào giúp mẹ bảo quản sữa mẹ an toàn, giữ trọn dưỡng chất quý giá cho bé yêu? Đơn giản lắm, chỉ cần nhớ 3 điều: Vệ sinh sạch sẽ, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và tuân thủ thời gian sử dụng. Hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến những người mẹ khác để cùng nhau nuôi con khỏe, mẹ vui nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính