Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Các xét nghiệm tiểu đường phổ biến hiện nay và lưu ý trước khi thực hiện

Thông qua xét nghiệm máu bạn có thể biết được liệu mình có đang mắc bệnh tiểu đường hay không. Vậy có những xét nghiệm để chẩn đoán tiểu đường, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

1 Tổng quan về bệnh tiểu đường

Cơ thể cần insulin để vận chuyển glucose tạo ra năng lượng. Tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể đề kháng insulin, khiến lượng đường trong máu tăng cao.

Các loại bệnh tiểu đường:

  • Bệnh tiểu đường loại 1: tuyến tụy không sản xuất đủ insulin.
  • Bệnh tiểu đường loại 2: cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách.
  • Bệnh tiểu đường thai kỳ: xảy ra trong thời kỳ mang thai.

Tiểu đường gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu như bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh đa dây thần kinh, xơ vữa động mạch, bệnh cơ tim,... Vì vậy, tiểu đường cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

2 Dấu hiệu bệnh tiểu đường

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể xảy ra đột ngột. Ở bệnh tiểu đường loại 2, các triệu chứng ở thể nhẹ và có thể mất nhiều năm mới được phát hiện.

Các dấu hiệu của bệnh tiểu đường gồm:

  • Đói và khát nhiều.
  • Khô miệng và ngứa da.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Mờ mắt.
  • Mệt mỏi.
  • Giảm cân ngoài ý muốn.

Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu ở tim, mắt, thận và dây thần kinh. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe như đau tim, đột quỵ và suy thận. Hơn nữa, tiểu đường có thể gây mất thị lực vĩnh viễn do làm tổn thương các mạch máu trong mắt.

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường bị loét bàn chân, nặng hơn phải cắt cụt chi do tổn thương dây thần kinh và mạch máu, lưu lượng máu đến chi kém.

Dấu hiệu bệnh tiểu đường: đói, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước, khô miệng, ngứa da, nhìn mờ

Dấu hiệu bệnh tiểu đường: đói, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên và liên tục khát nước, khô miệng, ngứa da, nhìn mờ

3 Các chẩn đoán bệnh tiểu đường

Các xét nghiệm sau đây được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: đo lượng đường trong máu sau ăn ít nhất 8 giờ, giúp phát hiện bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: đo lượng đường trong máu sau ăn ít nhất 8 giờ hoặc 2 giờ sau khi uống đồ uống có chứa glucose, giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường.
  • Xét nghiệm đường huyết bất kỳ: kiểm tra lượng đường trong máu ở thời điểm bất kỳ mà không quan tâm đến thời điểm bạn ăn bữa cuối cùng. Kết hợp kết quả xét nghiệm với việc đánh giá các triệu chứng để chẩn đoán bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm huyết sắc tố A1c (HbA1c): có thể được thực hiện mà không cần nhịn ăn, giúp chẩn đoán hoặc xác nhận tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.

Kết quả xét nghiệm dương tính phải được xác nhận bằng cách lặp lại xét nghiệm đường huyết lúc đói hoặc xét nghiệm dung nạp glucose đường uống vào một ngày khác.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường lần đầu tiên, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm tự kháng thể vận chuyển kẽm 8 (ZnT8Ab). Xét nghiệm này cùng với các thông tin và kết quả của xét nghiệm khác có thể giúp chẩn đoán nhanh chóng, chính xác một người mắc tiểu đường loại 1 hay loại 2 để đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.

Chẩn đoán bệnh tiểu đường bằng các xét nghiệm nồng độ đường trong máu

Chẩn đoán bệnh tiểu đường bằng các xét nghiệm nồng độ đường trong máu

4 Các xét nghiệm cho bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 và tiền tiểu đường

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm máu sau đây để xác nhận chẩn đoán bệnh tiểu đường:

Xét nghiệm HbA1C

Đây là loại xét nghiệm không cần phải nhịn ăn hoặc nhịn uống và có thể xét nghiệm vào bất cứ lúc nào. Xét nghiệm HbA1C cho biết lượng đường trong máu trung bình trong 2 - 3 tháng qua bằng cách đo phần trăm lượng glucose gắn với hemoglobin. Glucose trong máu tỉ lệ thuận với lượng glucose gắn với hemoglobin.

Chỉ số xét nghiệm HbA1C được đánh giá theo tiêu chuẩn sau:

  • Bình thường: < 5,7%.
  • Tiền tiểu đường: 5,7% - 6,4%.
  • Tiểu đường: ≥ 6.5%.

Xét nghiệm HbA1C được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào mà không cần nhịn ăn

Xét nghiệm HbA1C được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào mà không cần nhịn ăn

Xét nghiệm đường huyết bất kỳ

Xét nghiệm đường huyết bất kỳ đo lượng đường trong máu của bạn tại thời điểm bất kỳ mà không quan tâm đến việc sau ăn bao lâu. Bạn có thể thực hiện xét nghiệm bất cứ lúc nào và không cần phải nhịn ăn. 

Nồng độ đường trong máu từ 200 mg/dL trở lên cho thấy bạn mắc bệnh tiểu đường. Kết quả của xét nghiệm này không có ý nghĩa chẩn đoán tiền tiểu đường hay xác nhận bạn không mắc tiểu đường.  

Đường huyết từ 200 mg/dL trở lên ở thời điểm bất kỳ được chẩn đoán tiểu đường

Đường huyết từ 200 mg/dL trở lên ở thời điểm bất kỳ được chẩn đoán tiểu đường

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Xét nghiệm đường huyết lúc đói đo lượng đường trong máu của bạn sau một đêm nhịn ăn (không ăn), ít nhất 8 giờ sau ăn. Chỉ số xét nghiệm đường huyết lúc đói được đánh giá theo tiêu chuẩn sau:

  • Bình thường: ≤ 99 mg/dL.
  • Tiền tiểu đường: 100 mg/dL - 125 mg/dL.
  • Tiểu đường: ≥ 126 mg/dL.

Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL được chẩn đoán là tiểu đường

Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL được chẩn đoán là tiểu đường

Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống

Xét nghiệm này giúp đánh giá khả năng dung nạp glucose của cơ thể bằng cách thực hiện kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trước và sau khi bạn uống dung dịch glucose.

Bạn phải nhịn ăn (không ăn) qua đêm trước khi xét nghiệm và lấy máu để xác định mức đường huyết lúc đói. Sau đó, bạn sẽ uống dung dịch 75g glucose đã được hòa tan trong 250 đến 300ml nước và kiểm tra lượng đường trong máu sau 1 giờ, 2 giờ và có thể 3 giờ sau đó. Sau 2 giờ, đọc kết quả kiểm tra lượng đường trong máu:

  • Bình thường: ≤ 140 mg/dl.
  • Tiền tiểu đường: 140 mg/dL - 199 mg/dL.
  • Tiểu đường: ≥ 200 mg/dL.

Đo lượng đường trong máu trước và sau khi uống dung dịch glucose

Đo lượng đường trong máu trước và sau khi uống dung dịch glucose

5 Các xét nghiệm bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu vào tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ. Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ (do có nhiều yếu tố nguy cơ hơn), bác sĩ có thể cho bạn làm xét nghiệm sớm hơn. Nếu đường huyết của bạn cao hơn bình thường ngay ở đầu thai kỳ thì có thể chẩn đoán bạn mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 chứ không phải tiểu đường thai kỳ.

Phương pháp 1 bước 

Nghiệm pháp này phải được thực hiện vào buổi sáng, sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Đo nồng độ glucose huyết tương lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau khi uống dung dịch 75g glucose. Chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ nếu kết quả thỏa mãn điều kiện sau:

  • Lúc đói: ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L).
  • Ở thời điểm 1 giờ: ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L).
  • Ở thời điểm 2 giờ: ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L).

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng liệu pháp dung nạp glucose qua đường uống

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng liệu pháp dung nạp glucose qua đường uống

Phương pháp 2 bước 

Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g (thực hiện khi không cần nhịn đói)

Uống 50g glucose (trước đó không nhịn đói), sau đó đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ sau khi uống. Nếu mức glucose huyết tương được đo tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 - 140 mg/dL (7,2 - 7,8 mmol/L) thì tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.

Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g (thực hiện khi nhịn đói)

Bệnh nhân nhịn đói, đo glucose huyết lúc đói. Sau đó cho uống 100g glucose pha trong 250 - 300ml nước và tiếp tục đo đường huyết tại các thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ sau khi uống glucose. Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ khi có ít nhất có 2 trong 4 giá trị glucose huyết tương bằng hoặc vượt quá các ngưỡng sau đây:

  • Lúc đói: ≥ 95 mg/dL (5,3 mmol/L).
  • Ở thời điểm 1 giờ: ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L).
  • Ở thời điểm 2 giờ: ≥ 155 mg/dL (8,6 mmol/L).
  • Ở thời điểm 3 giờ: ≥ 140 mg/dL (7,8 mmol/L).

Phương pháp 2 bước (two-step strategy) xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Phương pháp 2 bước (two-step strategy) xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

6 Các lưu ý trước khi làm xét nghiệm tiểu đường

Trước khi làm xét nghiệm tiểu đường, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Tuân theo nguyên tắc nhịn ăn: Một số xét nghiệm yêu cầu bạn nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ. Trong thời gian này, bạn không nên ăn uống bất cứ thứ gì ngoại trừ nước để không làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra lượng đường trong máu.
  • Thông báo cho bác sĩ của bạn: Hãy chia sẻ toàn bộ bệnh sử, thuốc đã sử dụng và bất kỳ bệnh lý nào bạn mắc phải gần đây hoặc những thay đổi trong thói quen sinh hoạt.
  • Giữ nước: Trong thời gian nhịn ăn, bạn hãy tiếp tục uống nước như bình thường để giữ cân bằng nước và đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác.
  • Tiếp tục dùng thuốc theo chỉ dẫn: Bạn hãy sử dụng thuốc điều trị tiểu đường theo hướng dẫn như bình thường, trừ khi bác sĩ khuyên bạn ngừng sử dụng.
  • Chọn thời điểm ăn phù hợp: Nếu xét nghiệm của bạn liên quan đến việc theo dõi nồng độ đường huyết sau ăn thì hãy lưu ý về thời điểm ăn để phù hợp với yêu cầu xét nghiệm.
  • Giữ bình tĩnh và thư giãn tinh thần: Lo lắng có thể ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết, do đó bạn cần giữ bình tĩnh và thư giãn tinh thần trước khi kiểm tra để đạt được kết quả chính xác.

Một số xét nghiệm tiểu đường cần phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ

Một số xét nghiệm tiểu đường cần phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ

7 Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường

Bạn không thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường dạng tự miễn và di truyền nhưng một vài lời khuyên sau đây có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển tiền tiểu đường, tiểu đường loại 2, tiểu đường thai kỳ:

  • Duy trì một lối sống lành mạnh: Thiết lập một chế độ ăn cân đối, giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, hạn chế đường và chất béo, không rượu bia hay thuốc lá. Đồng thời kết hợp với việc tập thể dục đều đặn để duy trì cân nặng lý tưởng và cải thiện sức khỏe tổng quát.
  • Kiểm soát cân nặng: Nếu bạn đang bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2.
  • Vận động thường xuyên: Lập kế hoạch thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần, chẳng hạn như đi bộ nhanh, chạy, bơi,...
  • Kiểm soát căng thẳng: Học cách quản lý căng thẳng bằng các phương pháp thư giãn tinh thần như ngủ đủ giấc (7 - 9 giờ/ngày), yoga, thiền, massage,...
  • Kiểm tra định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu hoặc yếu tố nguy cơ nào của bệnh tiểu đường.
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để quản lý các yếu tố nguy cơ hiện có đối với bệnh tim.

Bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh tiểu đường

Bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh tiểu đường

Xem thêm:

  • 7 biến chứng của bệnh tiểu đường lên mắt và các biện pháp phòng ngừa
  • Dấu hiệu ở chân cảnh báo bệnh tiểu đường: Cách nhận biết và phòng ngừa

Trên đây là thông tin chi tiết về các xét nghiệm để chẩn đoán tiểu đường. Tiểu đường là một căn bệnh dễ mắc cũng như dễ gặp các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bạn nên xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời và được điều trị sớm nhất.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính