Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Các triệu chứng rối loạn tiền đình và cách điều trị hiệu quả

Rối loạn tiền đình là một tình trạng rất phổ biến, thường hay gặp ở những người cao tuổi làm tăng nguy cơ té ngã. Hãy tìm hiểu cụ thể hơn về các triệu chứng rối loạn tiền đình và cách điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé!

Tổng quan về rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là tình trạng rối loạn hệ thống thăng bằng của cơ thể. Nguyên nhân của rối loạn này được chia làm 2 nhóm tùy vào vị trí tổn thương:

  • Rối loạn tiền đình trung ương: thường do đột quỵ, bệnh mất myelin như bệnh đa xơ cứng, bệnh viêm tủy cắt ngang...
  • Rối loạn tiền đình ngoại biên: do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính  - BPPV.

Rối loạn tiền đình hay gặp hơn ở nữ giới trên 40 tuổi, người mắc bệnh lý tim mạch và trầm cảm.

1 Triệu chứng rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình bao gồm nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Chóng mặt/Choáng váng: thường xuyên cảm thấy choáng váng, thế giới xung quanh xoay vòng. Khác với chóng mặt do hạ huyết áp, cảm giác này thường xuất hiện đột ngột và có thể lặp lại nhiều lần trong ngày và có liên quan đến các chuyển động đột ngột của đầu, cơ thể hoặc mắt.
  • Mất thăng bằng, mất phương hướng: thường đi kèm với cảm giác lâng lâng, gây khó khăn khi đi lại, mất phương hướng về không gian.
  • Cảm giác cơ thể đang lơ lửng: cảm giác chân không chạm đất, cơ thể nhẹ bẫng như đang bay.
  • Ù tai, mất thính lực: cảm thấy ù tai, giảm hoặc mất thính lực tạm thời gây ra do rối loạn hệ thống tiền đình - ốc tai.
  • Các vấn đề tâm lý: người bệnh có thể xuất hiện tình trạng khó tập trung, bồn chồn, lo lắng quá mức.

Ngoài ra, còn có một số các triệu chứng rối loạn tiền đình ít gặp khác như mất ngủ, nhạy cảm với ánh sáng, tim đập nhanh, buồn nôn, run chân tay, đau đầu.

Chóng mặt, choáng váng là triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình

Chóng mặt, choáng váng là triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình

2 Chẩn đoán rối loạn tiền đình

Lâm sàng

Chẩn đoán rối loạn tiền đình chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng kể trên (chóng mặt, mất thăng bằng, cảm giác lâng lâng, ù tai).

Đồng thời khai thác thêm về thời gian bắt đầu, tần suất, cường độ của các triệu chứng, cũng như các bệnh lý liên quan và thuốc đang dùng.

Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành một số nghiệm pháp để chẩn đoán rối loạn tiền đình như khám rung giật nhãn cầu, dấu Romberg, bước đi hình sao, ngón tay trỏ mũi, kiểm tra thính lực và thị lực nếu cần thiết.

Bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiền đình chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng

Bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiền đình chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng

Cận lâm sàng

Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm giúp xác định chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân bệnh và loại trừ các tình trạng gây ra triệu chứng tương tự:

  • Xét nghiệm máu: kiểm tra dấu hiệu của tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Nội soi tai: kiểm tra tình trạng viêm tai.
  • CT-scan hoặc MRI sọ não: kiểm tra các dấu hiệu bất thường cấu trúc ở não như khối u, phình mạch.
  • Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống cổ: kiểm tra tình trạng cung cấp máu não.

3 Rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?

Rối loạn tiền đình thường đa phần không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng người bệnh rối loạn tiền đình thường gặp phải những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và gây nên những biến đổi về tâm lý như thường xuyên khó chịu, lo lắng, bồn chồn.

Cần lưu ý rằng người bệnh rối loạn tiền đình có nguy cơ gặp chấn thương do té ngã cao, đặc biệt là đối với những người cao tuổi thì rất dễ gãy xương, chấn thương vùng đầu khi ngã.

Rối loạn tiền đình làm tăng nguy cơ té ngã

Rối loạn tiền đình làm tăng nguy cơ té ngã

4 Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cho thấy cần đến gặp bác sĩ

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên xuất hiện những triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, mất thăng, ù tai.

Vì đây có thể là những dấu hiệu của bệnh rối loạn tiền đình, u não, hạ huyết áp tư thế. Bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp.

Hãy đi gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên cảm thấy chóng mặt, choáng váng

Hãy đi gặp bác sĩ nếu bạn thường xuyên cảm thấy chóng mặt, choáng váng

Địa chỉ khám chữa bệnh rối loạn tiền đình

Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Nội, Thần kinh. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.

Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:

  • Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia An 115, Bệnh viện Nhân dân 115.
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

5 Cách điều trị rối loạn tiền đình

Điều trị rối loạn tiền đình phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Do thuốc: ngừng sử dụng thuốc gây ra rối loạn tiền đình.
  • Do viêm nhiễm: sử dụng thuốc kháng viêm, chống nhiễm trùng. (Xem thêm các sản phẩm thuốc kháng viêm giúp giảm đau, điều trị viêm khớp hiệu quả).
  • Do khối u, chấn thương: phẫu thuật có thể được cân nhắc.

Ngoài giải quyết nguyên nhân gây bệnh, điều trị rối loạn tiền đình cũng thường sử dụng các thuốc giảm triệu chứng như thuốc giảm chóng mặt, thuốc tăng tuần hoàn máu não, thuốc làm tăng chuyển hóa tế bào thần kinh, thuốc giãn mạch não...

Đối với những người bệnh có cơn chóng mặt thường xuyên và gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, các bài tập phục hồi chức năng có thể giúp người bệnh thích nghi và sống chung với tình trạng này.

Thuốc giảm chóng mặt giúp điều trị triệu chứng rối loạn tiền đình

Thuốc giảm chóng mặt giúp điều trị triệu chứng rối loạn tiền đình

6 Rối loạn tiền đình nên ăn gì?

Người bệnh rối loạn tiền đình nên bổ sung các nhóm chất hỗ trợ tốt cho hệ thần kinh và miễn dịch, cụ thể:

  • Thực phẩm giàu Omega 3: cá hồi, cá bơn, cá tuyết và hạt óc chó.
  • Thực phẩm giàu vitamin B: thịt gà, lợn, bò, gan, ngũ cốc, súp lơ xanh.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: kiwi, cam, chanh, bưởi, ổi, rau cải xoăn, ớt đỏ.
  • Thực phẩm giàu Magie: các loại hải sản, các loại hạt, các loại rau lá màu xanh đậm.

Thực phẩm giàu vitamin B hỗ trợ tốt cho hệ thần kinh

Thực phẩm giàu vitamin B hỗ trợ tốt cho hệ thần kinh

Xem thêm

  • 7 cách chữa rối loạn tiền đình không cần dùng thuốc bạn nên biết.
  • Rối loạn tiền đình có nguy hiểm và có chữa được không?
  • 10 nguyên nhân rối loạn tiền đình phổ biến bạn nên lưu ý.

Triệu chứng rối loạn tiền đình bao gồm chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng, ù tai. Những triệu chứng này có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân nên bạn cần được bác sĩ thăm khám và đưa ra điều trị phù hợp. Hãy chia sẻ bài viết này tới những người xung quanh nếu bạn thấy bài viết có ích nhé!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính