Các mục tiêu cụ thể của Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thế chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030 và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 thể hiện rất rõ quan điểm của Nhà nước ta:

Thứ nhất, HIV/AIDS là dịch bệnh nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế - xã hội. Phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp và là trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi cộng đồng.

Thứ hai, phòng, chống HIV/AIDS phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, chú trọng đến phụ nữ, trẻ em, các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV, đồng bào dân tộc ít người và người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Thứ ba, bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phòng, chống HIV/AlDS.

Thứ tư, kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế và các biện pháp xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc phối hợp dự phòng với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS toàn diện.

Thứ 5, Nhà nước bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS, khả năng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các tỉnh, thành phố chủ động bố trí nguồn lực cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.

Trên cơ sở những quan điểm này, mục tiêu chung mà Chiến lược đề ra là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được xác định như sau: 

Đầu tiên là mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

Thứ hai, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cũng có mục tiêu mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Cuối cùng là củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyên; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Các chỉ tiêu cụ thể được đặt ra đối với từng nhóm. 

Nhóm chỉ tiêu tác động: Phấn đấu đến năm 2030, số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm; Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân; Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%.

Nhóm chỉ tiêu về dự phòng: Vào năm 2030, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80%; Tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế và các loại thuốc, bài thuốc đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50%; Tỷ lệ người MSM được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40%;  Tỷ lệ thanh niên 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80%; Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80%.

Nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm: Cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95%; Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hằng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80%.

Nhóm chỉ tiêu về điều trị: Tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt ít nhất 95% qua các năm.

 Ngoài ra, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt 90% năm 2025 và đạt 95% vào 2030; tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 92% vào năm 2025 và đạt 95% vào năm 2030; Tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HlV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C đạt 50% trở lên vào năm 2025 và 75% trở lên vào năm 2030.

Nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế: 

Thứ nhất, năm 2021, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch hoặc đề án bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được phê duyệt.

Thứ hai, phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ ba, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ 4, 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hệ thống thu thập số liệu đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Cho đến ngày nay, HIV/AIDS vẫn được xem là một đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử dịch bệnh của nhân loại. Việt Nam đã có 30 năm phòng, chống HIV/AIDS với nhiều thành quả. Những thành quả chúng ta đạt được hôm nay là một quá trình gắng sức của toàn xã hội, tuy nhiên chăng đường phía trước cũng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được ban hành là để cụ thể hóa quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống HIV/ÁDA. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để duy trì, phát huy thành quả trước những diễn biến mới trong bối cảnh nhiều bệnh dịch nguy hiểm mới nổi đang đe dọa sức khỏe cộng đồng hiện nay, tiếp tục thực hiện thật tốt mục tiêu 90-90-90 mà ở đó, sự duy trì và phát huy tính ưu việt trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương sẽ mang tính quyết định nhằm chung tay thực hiện mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vào năm 2030./.

Với các mục tiêu cụ thể đã được đề ra, các ban ngành, các cấp chính quyền sẽ dễ dàng mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có  hành vi nguy cơ cao; mặt khác, chủ động củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Lý Luận

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính