U tuyến giáp ngày càng trở nên phổ biến và khiến nhiều người lo lắng. Quan trọng nhất là phải nhận biết được các triệu chứng bệnh sớm nhất có thể, đồng thời phải phân biệt được u tuyến giáp là loại lành tính hay ác tính. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết của u tuyến giáp cũng như cách phân biệt các loại u tuyến giáp qua bài viết dưới đây!
U tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nhỏ nằm ở phía trước cổ, có vai trò sản xuất hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp đóng nhiều vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, duy trì thân nhiệt, nhịp tim và hoạt động tiêu hóa.
U tuyến giáp là sự tăng sinh bất thường của tế bào tuyến giáp. U tuyến giáp được phân thành các nhóm chính:
- U nhân đơn độc.
- U đa nhân.
- U nang.
Khoảng 95% u tuyến giáp là u lành tính. Chỉ số ít trường hợp tiến triển thành ung thư tuyến giáp.
U tuyến giáp là sự tăng sinh bất thường của tế bào tuyến giáp
1 Các dấu hiệu của u tuyến giáp
U tuyến giáp hầu như không biểu hiện triệu chứng trong giai đoạn đầu. Hầu hết các trường hợp được phát hiện muộn khi khối u to và thấy được bằng mắt thường.
Khi khối u tuyến giáp có kích thước lớn có thể dẫn đến:
- Khó thở, nuốt vướng, nuốt nghẹn.
- Khàn tiếng, thay đổi giọng nói.
- Đau ở phía trước cổ.
- Bướu cổ, phần cổ to bè ra một hoặc cả 2 bên.
Đôi khi sự phát triển của khối u kèm theo sự sản xuất quá mức hormone tuyến giáp, gây triệu chứng của cường giáp như:
- Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.
- Run tay.
- Hồi hộp, lo lắng, dễ cáu gắt.
- Mất ngủ.
- Sụt cân bất thường.
- Nhanh đói, ăn nhiều.
- Tiêu chảy, tăng số lần đi ngoài.
- Rối loạn kinh nguyệt.
Ngược lại, u tuyến giáp cũng có thể gây tình trạng suy giáp với các biểu hiện:
- Mệt mỏi.
- Trầm cảm.
- Tê mỏi, cảm giác ngứa ở tay.
- Da khô, rụng tóc, móng dễ gãy.
- Táo bón.
- Kinh nguyệt kéo dài, rong kinh.
U tuyến giáp thường được phát hiện khi kích thước khối u lớn
2 Nguyên nhân gây ra u tuyến giáp
Một số nguyên nhân dẫn đến sự phát triển u tuyến giáp bao gồm:
- Sự phát triển quá mức của các tế bào tuyến giáp: Cơ chế của tình trạng này chưa được biết rõ.
- U nang tuyến giáp: Là sự hình thành các khoang chứa đầy dịch trong tuyến giáp, thường gặp nhất là do u tuyến giáp bị thoái hóa. Đa số nang thường không phải ung thư.
- Viêm tuyến giáp mãn tính Hashimoto: Tình trạng viêm tuyến giáp dẫn đến các nốt bên trong tuyến giáp sưng to và có thể dẫn tới suy giáp.
- Bướu cổ: Là sự phì đại của tuyến giáp, có thể do thiếu i-ốt, rối loạn tăng sinh tuyến giáp.
- Bướu đa nhân tuyến giáp: Là sự có mặt nhiều nốt riêng biệt trong bướu cổ, nguyên nhân chưa rõ ràng.
- Ung thư tuyến giáp: Thường hiếm gặp.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp như:
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến giáp hoặc ung thư tuyến nội tiết khác.
- Tiền sử tiếp xúc với bức xạ trong y tế như tia xạ, phóng xạ hạt nhân.
U tuyến giáp gây ra bởi sự phát triển quá mức của tế bào tuyến giáp
3 Cách chẩn đoán u tuyến giáp
Nhiều trường hợp u tuyến giáp chỉ được phát hiện khi khối u đủ lớn khiến bạn quan sát thấy hoặc sờ thấy. Đôi khi, u tuyến giáp được tình cờ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Hầu hết các trường hợp u giáp thường lành tính, nhưng vẫn tồn tại khả năng chúng là khối u ác tính. Do đó, bạn nên chú ý đi khám sức khỏe định kỳ và ngay khi thấy các triệu chứng nghi ngờ u tuyến giáp.
Việc chẩn đoán u tuyến giáp cần kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng. Bác sĩ sau khi thăm khám vùng cổ sẽ đánh giá sơ bộ kích thước, số lượng và mức độ đè đẩy của khối u. Việc chẩn đoán xác định cần dựa trên các biện pháp thăm dò hình ảnh và xét nghiệm.
Một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán u tuyến giáp bao gồm:
- Siêu âm tuyến giáp: Biện pháp thăm dò hình ảnh đơn giản, dễ thực hiện và phổ thông, giúp đánh giá sơ bộ u giáp, số lượng nhân tuyến giáp, u nang hay u đặc và hình dạng sơ bộ của khối u.
- Sinh thiết u tuyến giáp: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tế bào bên trong u tuyến giáp và phân tích dưới kính hiển vi, từ đó giúp xác định u lành tính hay ung thư.
- Xạ hình tuyến giáp: Phương pháp này dùng để đánh giá chức năng của tuyến giáp.
Siêu âm tuyến giáp là biện pháp thăm dò đầu tay dùng để chẩn đoán u tuyến giáp
4 U tuyến giáp có nguy hiểm không?
Khoảng 95% khối u tuyến giáp là lành tính và thường không ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Chỉ có một ít u tuyến giáp là ác tính, tức là gây ung thư và có khả năng di căn sang các cơ quan khác.
Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống và hồi phục của bệnh nhân vẫn rất cao.
Khoảng 95% u tuyến giáp lành tính và hầu như không cần can thiệp điều trị
5 Phân biệt u tuyến giáp lành tính và ác tính
Khi thăm khám phát hiện u tuyến giáp, bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh trên siêu âm để đánh giá sơ bộ liệu khối u lành hay ác tính. Thông thường khối ung thư có kích thước lớn trên 1 cm, hình dạng méo mó, ranh giới không rõ ràng, có các hạt vi canxi.
Ngoài ra, tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp hoặc ung thư tuyến nội tiết khác cũng là một yếu tố nguy cơ cao.
Nếu có nghi ngờ u ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định làm sinh thiết khối u. Sinh thiết u tuyến giáp được thực hiện bằng cách dùng kim nhỏ chọc vào u để lấy một mẫu mô hoặc tế bào, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi.
Bác sĩ phân biệt các loại u tuyến giáp dựa trên kết quả sinh thiết khối u
6 Các phương pháp điều trị của u tuyến giáp
Tùy thuộc vào loại u tuyến giáp và kích thước khối u, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn biện pháp điều trị bao gồm:
- Theo dõi diễn biến và không điều trị: Đối với các nốt tuyến giáp lành tính và không gây triệu chứng thì có thể không cần phải can thiệp bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần kiểm tra định kỳ để theo dõi tình trạng của u.
- Dùng iốt phóng xạ: Tuyến giáp sẽ hấp thụ iốt phóng xạ và làm cho các nhân co lại. Thường dùng để điều trị các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức và các bướu giáp có nhiều nhân.
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị trong những trường hợp khối u to gây chèn ép, khó thở, khó nuốt, khàn giọng... hoặc khối u có nguy cơ cao hoặc đã được chẩn đoán là u ác tính.
- Đốt sóng cao tần: Đây là một phương pháp mới ít xâm lấn trong điều trị u tuyến giáp. Phương pháp này giúp phá hủy khối u bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều tần số cao, từ đó làm giảm kích thước khối u theo thời gian.
Xem thêm
- 13 dấu hiệu bệnh tuyến giáp bạn cần chú ý
- U tuyến giáp lành tính nên kiêng ăn gì? Lưu ý 9 loại thực phẩm sau
- Bệnh tuyến giáp nên ăn gì và kiêng gì? Lưu ý các loại thực phẩm sau
Mặc dù u tuyến giáp hầu hết lành tính, bạn vẫn nên theo dõi và khám sức khỏe định kỳ. Hy vọng bài viết trên giúp bạn biết cách phát hiện sớm u tuyến giáp cũng như cách phân biệt u lành tính và ác tính. Cùng chia sẻ những thông tin hữu ích trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!
Bạn đang xem bài viết Các dấu hiệu u tuyến giáp, phân biệt u tuyến giáp ác tính và lành tính tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].