Bữa sáng ăn no, bữa trưa ăn đủ, bữa tối ăn ít để giảm nguy cơ sỏi túi mật

Ths-Bs Nguyễn Quốc Vinh (Khoa Ngoại Chung CK Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec) cho rằng, bữa ăn ngày càng giàu chất dinh dưỡng, khiến cho lượng cholesterol dư thừa lắng đọng ở túi mật và gây bệnh sỏi túi mật.

Bệnh sỏi túi mật là một trong các bệnh đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Nguyên nhân là do mức sống của người dân ngày càng tăng cao, bữa ăn ngày càng giàu chất dinh dưỡng, khiến cho lượng cholesterol dư thừa lắng đọng ở túi mật gây nên sỏi.

soi-tui-mat

Bữa ăn giàu dinh dưỡng, dư thừa cholesterol làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

Sỏi mật là một trong các bệnh dễ gây nên các biến chứng nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Vinh, sỏi túi mật là bệnh lý phổ biến, sỏi thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên và có tần suất tăng dần theo tuổi.

Tỷ lệ sỏi túi mật ở nữ giới cao gấp đôi so với nam giới, nhưng tuổi càng lớn tỷ lệ này càng giảm.

Sỏi túi mật là kết quả của tình trạng ‘quá bão hòa’ của 1 trong 3 thành phần của dịch mật là cholesterol, sắc tố mật, muối canxi trong dịch mật.

Sự hình thành sỏi túi mật có liên quan đến sự ứ đọng dịch mật và sự hiện diện của vi trùng trong dịch mật.

Sỏi túi mật được phân thành 3 loại là sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật và sỏi hỗn hợp.

Sỏi sắc tố mật có thể là sỏi đen hoặc nâu. Sỏi sắc tố đen là hậu quả của tình trạng tán huyết mãn và chỉ hiện diện ở túi mật.

Sỏi sắc tố nâu có liên quan đến nhiễm trùng dịch mật và thường hiện diện trong cả túi mật và và đường mật.

Với mỗi loại sỏi mật lại có những triệu chứng khác nhau và khi xuất hiện những triệu chứng này cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

soi-tui-mat2

Bệnh sỏi túi mật thường gây đau phần hạ sườn phải

Sỏi đường mật trong gan

Triệu chứng điển hình của loại này là xuất hiện cơn đau bụng phần gan (đau vùng hạ sườn phải lan ra vai phải hoặc xương bả vai).

Đôi khi xuất hiện cả đau vùng thượng vị (trên rốn) làm cho người bệnh lầm tưởng cơn đau của dạ dày.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp có sỏi mật trong gan nhưng không có triệu chứng gì mà chỉ khi làm xét nghiệm, siêu âm hoặc chụp phim để chẩn đoán một bệnh khác, tình cờ mới phát hiện sỏi mật.

Sỏi ống mật chủ

Khi bị bệnh sỏi ống mật chủ, thông thường có 3 triệu chứng điển hình tuần tự xuất hiện gồm: đau bụng, sốt và vàng da.

Lúc đầu là triệu chứng đau dữ dội ở hạ sườn phải lan ra lưng, bả vai và cả thượng vị.

Sau đau thường xuất hiện triệu chứng sốt, có thể sốt nóng và sốt run.

Tiếp đến là vàng da, vàng mắt, phân bạc màu (có khi phân trắng như phân cò).

Sỏi ngã ba đường dẫn mật

Sỏi ở vị trí này cũng thường gây nên cơn đau bụng dữ dội như các thể vừa nêu trên và cũng có thể gây tắc mật làm vàng da, vàng mắt, phân bạc màu.

Sỏi túi mật và cổ túi mật

Ở thể bệnh này bệnh nhân thường đau bụng dữ dội vùng dưới sườn phải.

Nếu có hiện tượng tắc nghẽn thì túi mật ngày càng to dần lên, khi sờ có thể thấy túi mật căng phồng, ấn vào bệnh nhân kêu rất đau.

Nếu không xử lý kịp thời có thể đưa đến viêm túi mật cấp tính, sẽ có sốt cao 39 – 40 độ C. Khám bụng sẽ thất phản ứng thành bụng rất rõ.

soi-tui-mat3

Mỗi loại sỏi mật lại có những triệu chứng bệnh khác nhau

Bệnh sỏi túi mật có thể gây ra những biến chứng nặng nề như viêm túi mật cấp, viêm túi mật mạn, viêm tụy cấp do sỏi mật, tắc ruột do sỏi mật… Do đó, người bệnh cần được điều trị sớm khi phát hiện sỏi mật.

Theo bác sĩ Vinh, phương pháp nội soi cắt túi mật được coi là phương pháp ưu việt trong điều trị sỏi túi mật.

Nhiều người bệnh lo sợ, nếu cắt túi mật cơ thể sẽ bị khiếm khuyết, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Vì vậy mà không ít bệnh nhân đề nghị bác sĩ chỉ mổ túi mật lấy sỏi hoặc uống thuốc tan sỏi.

Nhưng thực tế, túi mật chỉ là nơi dự trữ mật (mật được sản xuất ở gan) nên việc mất túi mật sẽ không gây xáo trộn đáng kể hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Khi không còn túi mật, mật sẽ đi thẳng từ gan đến các bộ phận tiêu hóa mà không phải thông qua túi mật.

Nhưng, nếu giữ lại túi mật đã từng ‘gặp vấn đề’, nó sẽ rất dễ sinh sỏi, khiến bệnh tái phát.

Trong khi đó, phương pháp uống thuốc tan sỏi có hiệu quả thấp và thời gian điều trị kéo dài, gây tốn kém.

Bên cạnh điều trị sớm sỏi túi mật, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hằng ngày.

Hạn chế các loại thức ăn có nhiều cholesterol như óc, gan, thận động vật, trứng cá… Đồng thời, giảm bớt các món ăn béo ngậy để tránh dẫn đến co thắt mật. Nên dùng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật.

Bữa sáng cần ăn no, bữa trưa ăn đủ, bữa tối ăn ít. Tuyệt đối không được nhịn ăn bữa sáng, tránh ăn uống no say vào buổi tối và tránh đê bụng đói quá lâu. 

Linh Nhi

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính