Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký quyết định về việc thành lập Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV).
45 Đội cơ động phản ứng nhanh được lập từ các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối. Ngoài ra, mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 đội cơ động.
Thành phần của mỗi Đội cơ động bao gồm: 1 lãnh đạo bệnh viện, 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 1 bác sĩ truyền nhiễm, 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn, 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm, 1 lái xe.
Mỗi Đội cơ động được trang bị: 1 xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.
Các Đội cơ động thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch. Thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Virus Corona có thể lan rộng như thế nào?
Tính đến sáng 31/1, số người mắc bệnh trên thế giới: 9.807 trường hợp, 213 tử vong. WHO đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Việt Nam hiện có 5 trường hợp dương tính với virus Corona, 2 trường hợp đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, 2 trường hợp điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 1 trường hợp điều trị tại BV tỉnh Thanh Hóa.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, dịch nCoV rất có khả năng lan rộng vì cùng họ virus Corona gây bệnh MERs, SARS, nhưng MERs và SARS có tỉ lệ tử vong lớn nên người bị bệnh đến viện ngay.
Trong khi đó nCoV có tỉ lệ tử vong thấp nhưng biểu hiện nhẹ và giống với nhiều biểu hiện sốt, cúm khác nên người bệnh chủ quan, tự điều trị tại nhà, rất khó kiểm soát.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, thời gian ủ bệnh của virus Corona chủng mới dao động từ 2- 10 ngày, trước khi các triệu chứng như ho, sốt, khó thở và suy hô hấp xuất hiện. Khác với nhiều virus Corona khác, nCoV có thể lây ngay trong giai đoạn ủ bệnh.
Xem thêm clip: 5 đối tượng dễ mắc virus Corona
Cách phòng bệnh viêm phổi cấp nCoV
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ Y tế thành lập 45 đội Cơ động phản ứng nhanh chống dịch tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].