Chiều 5/2, Bộ Y tế tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona gây ra. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị.
Vụ trưởng Vụ Thông tin truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh thông tin, tới chiều 5/2, Việt Nam vẫn ghi nhận 10 ca nhiễm virus Corona, 3 ca bệnh đã chữa khỏi (TP. HCM, Thanh Hóa, Khánh Hòa).
Trên thế giới, tổng số trường hợp mắc: 24.553, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 24.324. Tổng số trường hợp tử vong: 492, trong đó: Lục địa Trung Quốc: 490, 01 trường hợp ở Philippine, 01 ở Hồng Kông (TQ).
Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 229 ở 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc).
Bộ Y tế đã cập nhật đầy đủ các thông tin về dịch bệnh.
Sau 3 ngày có 43.467 cuộc gọi, có 96,6% cuộc gọi kết nối. Trong đó, riêng lúc 19 giờ ngày 2-2 có 2.700 cuộc gọi sau khi có thông tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về thời gian nghỉ học của học sinh. Tổng đài có 120 tổng đài viên.
Hiện đường dây nóng 19009095 hoạt động song song với đường dây nóng 19003228 và các đường dây nóng của 21 bệnh viện có cơ sở theo dõi điều trị cách ly bệnh nhân nghi nhiễm/nhiễm nCoV.
Có dấu hiệu lạc quan
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, số ca mắc virus Corona vẫn đang tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng hằng ngày, nhưng có dấu hiệu lạc quan là số ca nghi nhiễm đã giảm hơn so với trước và số ca chữa khỏi tăng lên.
Tại Việt Nam, vẫn còn sớm để nhận định tình hình dịch bệnh, tuy nhiên với sự triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống mà ngành Y tế và bộ, ngành, địa phương, có thể yên tâm, tin tưởng ngành y tế Việt Nam có đủ nguồn lực, năng lực để đối phó với loại virus này.
Vị Thứ trưởng Bộ Y tế lạc quan bày tỏ, 17 năm trước, khi Việt Nam chữa khỏi ca nhiễm bệnh SARS đầu tiên, đó không chỉ là niềm vui của riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng vui mừng, khi điều này cho thấy có thể chữa và kiểm soát được bệnh dịch.
Hiện nay, rất nhiều thông tin chia sẻ trên thông tin đại chúng và qua báo cáo khoa học cho thấy virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới và bệnh SARS đều có cùng chủng tên Corona.
Khác với SARS, virus Corona mới có thể lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Trong khi một số kháng thể có biểu hiện rất nhẹ, như ho nhẹ, sốt nhẹ, nhưng thực chất có mắc bệnh. Vì vậy đòi hỏi mỗi người dân cần ý thức việc phòng tránh bệnh dịch.
Đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất
Việt Nam cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là dịch lan rộng. Chúng ta đã chỉ định 22 bệnh viện tuyến cuối, dành tới 3.000 giường bệnh, gần 1.000 máy thở và nhiều máy móc khác.
So sánh với đại dịch Sars, các biện pháp triển khai phòng dịch hiện nay mạnh mẽ hơn. Ngay từ đầu, quan điểm của Chính phủ, không che giấu dịch. Khi có ca nào mắc virus Corona, Bộ Y tế sẽ cung cấp ngay ca đó. Người dân không nên hoang mang vì ngành Y tế Việt Nam sẽ có đủ năng lực điều trị loại virus này.
Quan điểm của Chính phủ và Bộ Y tế không che giấu bất cứ thông tin gì, thậm chí có thông tin báo chí đưa trước. Đến thời điểm này có 10 ca nhiễm và khi có bất cứ ca bệnh nào Bộ Y tế đều minh bạch thông tin".
“Có thông tin cần tích trữ lương thực, thậm chí tích trữ cả vàng vì dịch. Điều này không đúng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát”- ông Long nhấn mạnh.
Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận phác đồ của thế giới
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian ủ bệnh là từ 14 ngày. Chúng ta cách ly 14 ngày là cách ly đủ thời gian dài nhất, để yên tâm nhất trong vấn đề cách ly.
Về điều trị, hiện nay đang dựa trên nguyên tắc cơ bản, dựa trên điều trị triệu chứng, sốt thì hạ sốt. Đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ.
Ngoài ra cần theo dõi sát sự bão hòa oxy trong máu, phải có biện pháp can thiệp. Nhẹ thì thở oxy, bước 2 là thở hỗ trợ, bước 3 mới thở máy. Không phải bệnh nhân nào mắc cũng thở máy.
Hiện chúng ta có 10 ca dương tính nhưng đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng, chỉ có bệnh nhân người Trung Quốc là nhiều tuổi, nhiều bệnh lý nền nên cần thở oxy. Đã có 3 bệnh nhân được xuất viện.
Bộ Y tế đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân chặt chẽ. Thái Lan có liệu pháp 2 thuốc, Trung Quốc có liệu pháp 3 thuốc là các loại thuốc kháng HIV bậc 2.
Hiện nay phác đồ điều trị của Việt Nam cũng tiệm cận với các liệu pháp trên thế giới. Chúng ta điều trị SARS cũng đã thành công như vậy.
Vì sao nên rửa tay liên tục?
Khác với SARS, virus nCoV lây cả trong thời gian ủ bệnh, khi chưa có triệu chứng nào đã có thể lây cho người khác. Có những cá thể có triệu chứng rất nhẹ như đau mỏi cơ, sốt nhẹ, thoáng qua. Nhiều khi chúng ta bỏ sót chính vì những triệu chứng nhẹ này.
Trả lời báo chí về việc đeo khẩu trang có giúp phòng ngừa dịch bệnh không, Thứ trưởng Long cho rằng: "Theo tôi, không cần đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có thể bảo vệ những người không bị bệnh. Việc đeo khẩu trang chỉ là một phần để phòng tránh dịch bệnh thôi", Thứ trưởng cho hay.
Để phòng dịch bệnh, WHO bao giờ cũng khuyến cáo một câu là “Rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày”, vì theo nghiên cứu, cứ 10 phút, bàn tay của chúng ta lại bị virus xâm nhập.
Bộ Y tế chỉ đạo tỉnh Vĩnh Phúc cách ly vòng thứ 4
Nhiều ý kiến băn khoăn, dịch có thể bùng phát tại Vĩnh Phúc không khi ở đây đã xuất hiện ca bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc gần với người bệnh nhiễm virus Corona và người này cũng tiếp xúc với rất nhiều người trước khi phát hiện dương tính virus Corona.
Trước lo ngại này, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, trường hợp ở Vĩnh Phúc giống như trường hợp nữ lễ tân ở Khánh Hòa nhiễm virus Corona qua tiếp xúc gần với người lây bệnh.
Ngay khi xác định bệnh nhân trở về từ Vũ Hán mắc Corona, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành cách ly 3 vòng đối với 139 người có tiếp xúc với người bệnh: Cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại nhà và cách ly đối với những người tiếp xúc của tiếp xúc.
Hôm nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo Vĩnh Phúc tiến hành cách ly vòng thứ 4 tới những người đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh, người nghi ngờ nhiễm virus để đảm bảo không có sự lây lan tiếp theo.
Độ tuổi nào dễ mắc nCoV?
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long: Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc Hội chứng Hô hấp Trung đông (MERS-CoV) năm 2012 là hơn 34%; Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 là 10%, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) chỉ là 1,8%...
Ở Việt Nam, 10 ca bị nhiễm đang tiến triển rất tốt, đó cũng là thành công của ngành y tế và các cấp ngành.
Về độ tuổi mắc Corona, hầu hết các độ tuổi mắc đều trên 30 tuổi, phụ nữ và trẻ em mắc ít hơn.
"Đến nay, chúng tôi chưa xác định được tại sao lại vậy. Chúng ta không thể nói trẻ em khó lây nhiễm hơn người lớn và chúng ta chỉ ghi nhận có hiện tượng này. Ở Vũ Hán, Trung Quốc 80% các bệnh nhân bị mắc Corona là trên 60 tuổi trở lên; 75% các bệnh nhân đã có bệnh nền.
Để phòng tránh Corona đối với trẻ em, phụ huynh cần thường xuyên rửa tay cho trẻ, hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người. Ngoài ra, người lớn cũng cần thường xuyên vệ sinh các bề mặt tại chính gia đình mình sinh sống", ông Long khuyến cáo.
Xem thêm clip: Tự làm nước rửa tay khô cực đơn giản theo công thức của WHO chỉ với vài nghìn đồng
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ Y tế họp báo về virus Corona: Phác đồ điều trị của Việt Nam tiệm cận thế giới tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].