Bộ Y tế chính thức hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ngộ độc botulinum

Bộ Y tế mới ban hành Quyết định 3875/QĐ-BYT về việc đưa ra hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum.

Ngộ độc botulinum có biểu hiện gì? 

Theo đó, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, ngộ độc thực phẩm do độ tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.

Thời gian khởi phát bệnh phổ biến 12 - 36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên, có thể trong khoảng 6 giờ - 8 ngày sau ăn.

Người bệnh xuất hiện triệu chứng cụ thể như sau: Buồn nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt ruột cơ năng, táo bón, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp...

Ngoài ra, người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, liệt các cơ vùng ngực và bụng. Đồng thời, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất; đồng tử có thể giãn hai bên…

Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.

  Bệnh nhân bị ngộ độc botulinum có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, liệt các cơ vùng ngực và bụng. Ảnh minh họa

Bệnh nhân bị ngộ độc botulinum có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân, liệt các cơ vùng ngực và bụng. Ảnh minh họa

Các nhân viên y tế cần nâng cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.

Chẩn đoán và điều trị ngộ độc botulinum như thế nào?

Hướng dẫn chẩn đoán điều trị này không bao gồm các trường hợp nhiễm độc độc tố botulinum do nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn các chủng vi khuẩn Clostridium sinh độc tố botulinum ở trẻ nhũ nhi hoặc ở người lớn, nhiễm độc tố botulinum qua đường hô hấp.

Về nguyên tắc xử trí, Bộ Y tế cho biết cấp cứu và hồi sức hô hấp là chính, cần phát hiện sớm tình trạng liệt cơ hô hấp, kiểm soát đường thở, thở máy và các vấn đề hồi sức kèm theo. Dùng thuốc giải độc đặc hiệu càng sớm càng tốt khi đã có chỉ định. Đồng thời báo các cơ quan chức năng cùng phối hợp giải quyết.

Bộ Y tế cho biết cần gây nôn nếu bệnh nhân mới ăn nguồn thực phẩm nghi ngờ. Tiến hành biện pháp than hoạt trong trường hợp bệnh nhân đến viện muộn do độc tố, vi khuẩn vẫn tồn tại trong đường tiêu hóa nhiều giờ tới nhiều ngày sau...

Bệnh nhân cần được theo dõi, giám sát, đặc biệt tình trạng liệt các cơ và tình trạng hô hấp. Nếu bệnh nhân liệt hầu họng, ho khạc kém, ứ đọng đờm thì cần hút đờm, nằm nghiêng, đặt ống thông dạ dày cho ăn, nên đặt nội khí quản sớm bảo vệ đường thở. Bệnh nhân suy hô hấp thì đặt nội khí quản, thở máy...

Theo hướng dẫn này, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.

Các biến chứng chính có thể gặp phải khi bị ngộ độc gồm:  Nhiễm trùng bệnh viện, đặc biệt viêm phổi và các biến chứng của thở máy; Các biến chứng do bất động, nằm kéo dài, loét; Liệt ruột, táo bón, trào ngược, sặc phổi.

Cần làm gì để phòng ngừa ngộ độc botulinum?

Để phòng tránh ngộ độc botulinum, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.

Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).

Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).

Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).

Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính