Sáng 6/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Y tế toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tổng kết bức tranh toàn cảnh ngành Y tế năm 2020, đặc biệt là công tác phòng chống đại dịch COVID-19.
Việt Nam là điểm sáng trong phòng chống COVID-19
Theo Bộ trưởng, trong lịch sử ngành y tế chưa bao giờ có một đại dịch có sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống, toàn dân như khi phòng chống COVID-19, đó là một trong những yếu tố tạo nên thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch COVID-19 cho tới thời điểm hiện tại.
"Hơn một năm qua, Việt Nam đã khống chế và kiểm soát dịch COVID-19 thành công. Thành quả này là sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự phối hợp liên ngành, phối hợp chặt chẽ trung ương-địa phương. Quan điểm "chống dịch như chống giặc", coi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến nay vẫn còn nguyên giá trị và càng phát huy hơn".
Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong khoa học công nghệ: Là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải trình tự gene virus; 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể. Chúng ta đã chủ động được sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất thành công máy thở. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít quốc gia của ASEAN thử nghiệm vắc-xin trên người. Sắp tới, chúng ta còn 2 loại vắc-xin đi vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Ngày 21-22/1, vắc-xin Covivac do Viện vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Theo kế hoạch, IVAC phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội, thử nghiệm lâm sàng vắc-xin này. Ngoài ra, ông Long còn thông tin tháng 3, Việt Nam sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vắc-xin phòng COVID-19 thứ 3.
"Có những cán bộ trước khi đi chống dịch đã tạm biệt với gia đình rằng có thể hôm nay đi là vinh quang nhưng cũng có thể không bao giờ trở về", ông Long chia sẻ.
Ngành y tế đã tham mưu cho Đảng, Chính phủ triển khai thực hiện chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ở mức cao hơn và sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới ở giai đoạn đầu, với phương châm “4 tại chỗ”, phù hợp với thực tiễn và thực lực của đất nước.
Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn trên tuyến đầu phòng, chống dịch.
Lực lượng quân đội đã tham gia ngay từ phút đầu tiên trong việc ngăn chặn, cách ly từ Tết Canh tý đến nay. Lực lượng công an truy vết, cách ly, phong tỏa… Hình ảnh người chiến sĩ áo trắng đã in đậm trong trái tim của người dân.
Đồng thời, ngành y tế đã làm tốt công tác truyền thông, thông tin công khai, minh bạch, kịp thời, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong phòng chống dịch.
Mục tiêu năm 2021 vẫn là chống dịch COVID-19
Tuy nhiên, "tư lệnh ngành Y tế" nhận định, đại dịch COVID-19 trên thế giới còn phức tạp. Chặng đường trước mắt hết sức cam go với mục tiêu là bảo vệ cho nhân dân trước mắt là Tết an lành. Làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là điều mong mỏi của ngành y tế.
"Sự biến đổi của virus đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao hơn nữa trong cuộc chiến cam go này", Bộ trưởng đề nghị.
Vì thế, Bộ trưởng kêu gọi ngành y tế coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
"Tất cả chúng ta không được lơ là, mất cảnh giác mà tập trung tối đa cho công tác phòng chống dịch. Trong năm 2021, chúng ta xác định phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên đầu tiên. Bức tranh dịch COVID-19 chưa có gì sáng sủa, vẫn nặng nề", Bộ trưởng nhấn mạnh.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ trưởng Bộ Y tế: Bức tranh COVID-19 vẫn u ám, mục tiêu năm 2021 vẫn là chống đại dịch tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].