Bộ trưởng Bộ Y tế kể chuyện chính tay mình tiêm cho trẻ, sau 30 phút bị ngừng thở

Bộ trưởng Bộ Y tế kể: "Từng chứng kiến trường hợp bệnh nhân do chính tay tôi tiêm, người lớn đưa về, 30 phút sau quay trở lại người đã tím tái, ngừng thở, mạch huyết áp còn 0".

  Bộ trưởng đi khảo sát thực tế tình hình tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn Hà Nội

Bộ trưởng đi khảo sát thực tế tình hình tiêm vắc xin ComBE Five trên địa bàn Hà Nội

Bộ trưởng chia sẻ trong Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng ngày 16/1 với sự tham gia của 700 đầu cầu là toàn bộ y tế cơ sở, các nhân viên y tế có liên quan đến hoạt đột tiêm chủng.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cách đây 1 tuần, Bộ trưởng có ký công điện xử lý phản ứng sau tiêm. 

“Tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động nhân tạo, chúng ta đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Sau đó, khi có kháng thể, nếu gặp vi rút gây bệnh, cơ thể đã có sẵn miễn dịch chủ động để không thể mắc bệnh.

Và khi vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể sẽ có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Với người càng khoẻ mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Và trẻ em bé sốt, quấy khóc, bỏ ăn là phản ứng thông thường hay có nhiều trẻ có phản ứng sưng, đỏ, đau”, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, nhiều người cho rằng tiêm vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào an toàn hơn nhưng kháng nguyên sinh kháng thể không tốt bằng vắc xin có thành phần toàn tế bào. Nhiều trẻ tiêm vắc xin dịch vụ vẫn có nguy cơ mắc bệnh do kháng nguyên sinh kháng thể thấp hơn. 

“Tổ chức Y tế thế giới đang bàn cãi về hiệu quả vắc xin vô bào và người ta mong muốn quay trở lại dùng vắc xin có thành phần toàn tế bào, nhất là những vùng dịch mạnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Bộ Y tế cho biết, không tiêm chủng, bệnh nhân sẽ mắc bệnh và có thể đối mặt nguy cơ tử vong cao, chi phí điều trị bệnh nhiều, trong khi đó, tiêm chủng đảm bảo phòng bệnh tốt, chi phí lại thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận cả về thực tiễn lẫn lý thuyết, tiêm chủng không an toàn tuyệt đối. 

“Nếu trẻ tiêm chủng mà không có các phản ứng sốt thì không tốt. Như vậy có nghĩa kháng nguyên hoạt động không tốt, không sinh ra đủ kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ càng khỏe mạnh, bụ bẫm có thể càng gặp sốt cao sau tiêm chủng. Trẻ yếu bệnh thì có thể lại sốt nhẹ hoặc không sốt, như vậy hiệu quả kháng bệnh cũng không cao”, Bộ trưởng Tiến nói.

“Bản thân tôi từng chứng kiến trường hợp bệnh nhân do chính tay tôi tiêm, người lớn đưa về, 30 phút sau quay trở lại người đã tím tái, ngừng thở, mạch huyết áp còn 0. Vì vậy, không chỉ kháng sinh ComBe Five, kể cả những loại thuốc thông thường đều có phản ứng không mong muốn. 

Ngành của chúng ta không muốn đau thương cho các cháu nên thời gian đó, tôi mong chúng ta sẽ giảm tối đa phản ứng đó.

Ngành y đã mời các chuyên gia hàng đầu tập trung lại để ra phác đồ chống sốc ban hành thông tư 51 trước đó, nhưng hiện nay, một số tình huống thực tiễn phát sinh, sắp tới sẽ tiến hành bổ sung trong phác đồ”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đánh giá về ComBE Five và 3 trường hợp tử vong bất thường có liên quan đến loại vắc xin này, Bộ trưởng cho biết, các ca có biểu hiện phản ứng không mạnh như Quinvaxem, trẻ sau tiêm chỉ sốt nhẹ, nằm yên nhưng khi bố mẹ phát hiện đưa đi bệnh viện đã chuyển nặng, tử vong.

“Với trường hợp trẻ tử vong, có thể giải thích khả năng một ngày tỉ lệ trẻ tử vong bất thường vào khoảng 20- 30 trẻ do nhiều nguyên nhân như ngạt thở, sặc sữa, nằm nghiêng gây ngạt, suy hô hấp…

"Những trẻ đó có thể trùng hoặc xác suất rơi vào số trẻ tử vong và bị nghi do vắc xin. Hoặc cơ địa trẻ mẫn cảm, phản ứng mạnh hơn với kháng nguyên có trong vắc xin ComBE Five. Chúng ta không loại trừ khả năng, gia đình chưa phát hiện kịp thời, hoặc trẻ không được xử lý sốc nhanh nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. 

Để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vắc xin, Bộ trưởng cho biết sẽ tập huấn toàn bộ cán bộ nhân viên y tế liên quan, xử lý sốc triệt để theo nghị định ban hành.

Đặc biệt, yêu cầu các cán bộ tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất như tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ nhỏ, tiền sử bệnh thật, tiền sử dị ứng gia đình. Bộ trưởng cũng khuyến cáo cha mẹ theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất thường.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính