Báo Điện tử Gia đình Mới

Bình Dương đang có hơn 1.000 người mắc mới/ngày, cần làm tốt 4 việc để chặn dịch

2 ngày gần đây số ca mắc COVID-19 của tỉnh Bình Dương luôn trên 1.000 ca nhiễm mới. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều qua đã vào làm việc với tỉnh về công tác phòng chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa làm việc, thị sát tại tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Số ca nhiễm mỗi ngày hiện nay đang trên 1.000 ca

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết tính đến chiều ngày 29/7, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 9.946 ca mắc COVID-19, trong đó: 2.479 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 1.442 ca bệnh phát hiện trong khu phong toả, 4.831 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.143 ca bệnh trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa) và 5 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch y tế.

Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 5.019 ca mắc COVID-19 đang được điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số người nhiễm không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời), có 107 người có diễn biến nặng; 712 bệnh nhân khỏi bệnh.

  Số ca nhiễm COVID-19 ở Bình Dương tăng nhanh.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Bình Dương tăng nhanh.

Công tác điều trị COVID-19 hiện nay của tỉnh theo mô hình tháp 3 tầng. Người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80%) được bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ thầy thuốc và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động. Những trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.

Các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại các TTYT tuyến huyện.

Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển tới BVĐK tỉnh Bình Dương (hiện có 200 giường ICU) để điều trị.

Đại diện tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng 20.000 giường bệnh.

Hiện tỉnh đang đẩy mạnh hình thành 3 trung tâm xét nghiệm bảo đảm xét nghiệm nhanh, trả kết quả trong vòng 24 giờ (năng lực xét nghiệm hiện tại khoảng 8.000 mẫu đơn/ngày; tương đương 80.000 mẫu gộp). Tỉnh đang nhanh chóng phối hợp với các đơn vị nâng cao năng lực lên 100.000- 300.000 mẫu/ngày.

Bình Dương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, test nhanh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đồng ý với chiến lược Bình Dương đang làm là nhanh chóng tách F0 ra khỏi vùng đỏ, bảo vệ vùng xanh, điều trị theo tháp 3 tầng và tiêm chủng vắc-xin.

Bộ trưởng lưu ý, Bình Dương cần làm tốt 4 việc:

Thứ nhất, Bình Dương cần thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách càng mạnh, càng nghiêm thì chúng ta sẽ giảm được tốc độ lây lan dịch bệnh, nhất là đối với các khu đông dân cư.

Thời gian giãn cách của Bình Dương có thể sẽ dài hơn 2 tuần và “thành hay bại” là ở chỗ tỉnh có tận dụng tốt hay không “thời gian vàng” để thực hiện xét nghiệm, dập dịch. Do đó, tỉnh cần huy động lực lượng thực hiện nghiêm giãn cách và kêu gọi người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Thứ hai, Bình Dương còn có cơ hội để cắt đứt nguồn lây, do vậy tỉnh cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa Chỉ thị 16 và test nhanh để đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt.

  Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm việc với Bình Dương về công tác khống chế dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm việc với Bình Dương về công tác khống chế dịch.

Thứ ba, tập trung công tác điều trị. 

Bình Dương có 80 - 85% ca F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, do đó khi xây dựng tầng 1 khu điều trị cần có thêm phần cung cấp oxy nữa thì giải quyết được 80% F0 nhẹ.

Ở tầng 1 khu điều trị, khuyến khích hình thức tự chăm sóc sức khỏe không cần nhiều bác sĩ, y tá, nên dành lực lượng cho tầng 2 và tầng 3.

Ở tầng 2 (khu điều trị ở các cơ sở y tế với bệnh nhân nhẹ và trung bình) không được phép để thiếu hụt oxy. Tỉnh cần đầu tư bồn oxy và hệ thống oxy trung tâm. Làm tốt điều trị ở tầng 2 sẽ giảm bớt bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.

Ở tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera.

Thứ tư là chiến lược tiêm vắc-xin: “Chiến lược tiêm chủng vắc xin của tỉnh tập trung đánh vào “vùng đỏ” trước, tôi cho rằng đây là cách làm rất sáng tạo và Bộ Y tế đánh giá cao chiến lược này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương và giao PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm giám đốc.

“Chúng tôi sẽ điều chuyên gia y tế đến, tuy nhiên tỉnh cũng phải nhanh chóng lên kế hoạch điều động nhân lực để, mua sắm trang thiết bị để cùng Bộ Y tế thiết lập ngay Trung tâm này”- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng thông tin Bộ Y tế sẽ thành lập 8 đơn vị hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Bình Dương sẽ thiết lập 1 trung tâm (yêu cầu cần có 200 máy thở). Nếu công tác điều trị được làm tốt ở cả 3 tầng thì tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO