Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Không khai báo, cố ý che giấu bệnh bị xử phạt ra sao?
Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm... là hành vi bị cấm.
Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng nêu rõ, khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24h kể từ khi phát hiện.
Điều 6 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Những trường hợp không thực hiện khai báo dịch bệnh đầy đủ sẽ bị xự phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Cố ý làm lây lan bệnh COVID-19 bị xử lý thế nào?
Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật...
Hành vi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Ngoài ra, người lây dịch bệnh còn bị xử lý trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trường hợp dẫn đến hậu quả: (i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; và/hoặc (ii) Làm chết người, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm.
Trường hợp dẫn đến hậu quả: (i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; (ii) Làm chết 02 người trở lên, thì có thể sẽ bị phạt tù lên đến 12 năm.
Không chấp hành đi cách ly theo yêu cầu bị xử lý ra sao?
Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Về phạt người không cách ly, Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP, các đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với các hành vi: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
Tùy theo mức độ, hậu quả, hành vi không khai báo, bỏ trốn khỏi khu vực cách ly để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Phương tiện vận tải không chấp hành kiểm dịch bị xử lý ra sao?
Theo khoản 6, Điều 11, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định rõ, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch;
Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
D.TuânBạn đang xem bài viết Biết mắc dịch mà không khai báo, trốn cách ly, làm lây lan dịch COVID-19 bị xử lý ra sao? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].