Với xe máy
Giữ khoảng cách thích hợp với xe trước và tránh đi gần các xe trọng tải lớn vì dễ bị tác động bởi sóng nước do các xe này gây ra.
Nếu có thể, hãy cố gắng quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Không đi quá sát vào lề đường vì đây là khu vực trũng hơn và khi bị ngập cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn.
Để an toàn hơn, khi đi đến vùng nước đã ngập đến gần trục bánh xe, các bạn nên chịu khó dừng xe lại và tắt máy, dắt xe qua vùng nước ngập. Khi qua chỗ ngập, cần chờ nước trong xe rút hết rồi nổ máy đi tiếp.
Khi đi xe trong điều kiện “lội nước”, với xe số bạn cần giảm ga đi số thấp (số 1 hoặc 2) và giữ đều ga để nước không xâm nhập vào ống xả do hơi đẩy ra ngoài.
Với ô tô
Trước tiên bạn cần xác định loại xe bạn đang đi thuộc phân khúc nào. Nếu là SUV hay Pick-up thì khả năng lội nước cao hơn nhiều so với Sedan hay các xe gầm thấp.
Các bạn nên dừng lại và quan sát các xe khác đi qua để thấy được khu vực nào ngập ít, khu vựa nào ngập sâu, sau đó bắt đầu di chuyển sẽ an toàn hơn rất nhiều.
Khi đi chuyển qua khu vực ngập nước, các bạn nên về số 1 (số sàn), số D1/L hoặc chuyển sang chế độ số tay và về số 1 (xe số tự động và tuỳ loại xe).
Bắt đầu cho xe lăn bánh qua vùng ngập, giữ tốc độ vừa phải và ga hơi lớn một chút. Không nhanh quá tránh tình trạng nước tràn qua ca-pô vào họng gió gây hư hại, không chậm quá tránh bị nước ngập ống xả gây chết máy.
Tuyệt đối không dừng lại trong vùng ngập, trường hợp bắt buộc phải dừng lại nên về số N, kéo phanh tay và giữ ga hơi lớn. Khi có thể tiếp tục lăn bánh nhanh tay về số 1 và di chuyển qua vùng ngập.
Bên cạnh đó, nếu thấy quãng đường phía trước ngập quá sâu thì bạn nên tìm một con đường khác để đảm bảo chiếc xe của bạn không bị thủy kích.
Hoàng HiệpBạn đang xem bài viết Bí quyết đi xe qua khu vực ngập nước mà không bị chết máy tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].